Chủ động phòng, chống hạn, mặn với tinh thần cao nhất

Đăng ngày: 05-02-2024 | Lượt xem: 1801
Để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động cao nhất.PHÍA ĐÔNG TÍCH CỰC TRỮ NƯỚC

Các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang là khu vực chịu tác động trực tiếp của tình trạng xâm nhập mặn. Để bảo vệ sản xuất cho khu vực này, tăng cường tích trữ nước ngọt là một trong những giải pháp quan trọng nhất mà ngành Nông nghiệp đưa ra.

 

Các giếng khoan tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy đã sẵn sàng vận hành để phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập đến khu vực này.

Vụ đông xuân năm 2023 - 2024, toàn huyện Gò Công Tây xuống giống hơn 7.000 ha lúa. Để bảo vệ sản xuất, phòng, chống hạn, mặn, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, đến thời điểm này, phần lớn diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ và làm đòng. Hiện nguồn nước tại các kinh, rạch nội đồng vẫn dồi dào, từ đó chắc chắc đảm bảo an toàn trước nguy cơ hạn, mặn.

Còn tại TX. Gò Công, thời gian qua, địa phương cũng tập trung nhiều giải pháp để chủ động bảo vệ sản xuất cho người dân. Theo Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh, vụ đông xuân 2023 - 2024, địa phương xuống giống hơn 4.000 ha lúa. Hiện có khoảng 2/3 diện tích lúa (khoảng 3.000 ha) đang trong giai đoạn làm đòng; một số diện tích khác sẽ thu hoạch trong khoảng 2 - 3 tuần tới.

Riêng khu vực ấp 4, ấp 6 của xã Bình Xuân do xuống giống trễ nên các trà lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị làm đòng. Hiện nguồn nước tại các kinh, rạch nội đồng đang rất dồi dào, đảm bảo cho hoạt động tưới tiêu. Dù vậy, để bảo vệ sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực ấp 4, ấp 6 của xã Bình Xuân, TX. Gò Công đã có phương án chủ động.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn huyện Cai lậy mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trên tinh thần chủ động cao nhất, UBND tỉnh đã xây dựng các phương án phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 - 2024.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh lưu ý ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động nạo vét ao, mương để tích trữ nước; thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn để chủ động bảo vệ sản xuất...

Theo đó, nếu tình trạng thiếu nước xảy ra, thị xã sẽ tổ chức bơm chuyền, quyết tâm không để thiếu nước sản xuất; bởi đây là mùa vụ rất quan trọng đối với người dân.

Hiện TX. Gò Công đang tổ chức trục vớt lục bình, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch để tích trữ nước phục vụ sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, đến thời điểm này, mực nước tại các kinh, rạch nội đồng trong vùng Ngọt hóa Gò Công rất dồi dào. Cống Xuân Hòa vẫn còn lấy nước ổn định.

Dự kiến, đến thời điểm Tết Nguyên đán 2024, cống Xuân Hòa sẽ lấy gạn nước ngọt chính thức. Thời gian lấy gạn nước ngọt trong khoảng 1 tháng mới chính thức đóng để ngăn mặn. Với tình hình nguồn nước như hiện tại, các diện tích lúa đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công sẽ đảm bảo an toàn.

“Theo thống kê, diện tích lúa đông xuân của vùng Ngọt hóa Gò Công năm nay khoảng 20.600 ha. Theo dự báo mới nhất của các cơ quan chuyên môn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ tương tương mùa khô 2020 - 2021. Dự báo, đỉnh mặn sẽ xuất hiện trong tháng 3-2024. Nếu kịch bản này xảy ra thì cống Xuân Hòa sẽ lấy gạn nước ngọt đến cuối tháng 2-2024. Lúc đó, các diện tích lúa đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công đã cắt nước hoàn toàn” - đồng chí Đỗ Thành Sơn cho biết thêm.

QUYẾT TÂM BẢO VỆ VƯỜN CÂY ĂN TRÁI

Vùng chuyên canh cây ăn trái tại khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là vùng chuyên canh sầu riêng, rất “mẫn cảm” với nước mặn, do đó tỉnh quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái trong mùa hạn, mặn. Giải pháp căn cơ và lâu dài mà tỉnh thực hiện là triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1.

Cống Xuân Hòa hiện vẫn đang lấy nước ổn định.

6 cống ngăn mặn thuộc dự án này đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành (hiện đã sẵn sàng ngăn mặn), tỉnh sẽ ngăn mặn khép kín đến khu vực xã Tam Bình (huyện Cai Lậy).

Để bảo vệ an toàn cho vùng chuyên canh cây ăn trái, trong trường hợp mặn xâm nhập gay gắt, phương án mà ngành Nông nghiệp đưa ra là trong trường hợp khi độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), cách sông Tiền 9 km từ 1,5 - 2 g/l và có xu thế tiếp tục tăng sẽ tiến hành đắp 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài và Phú An.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 - 2024, huyện đã bám sát kế hoạch của UBND tỉnh và xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã. Theo đó, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất.

Hiện nay, hệ thống cống ngăn mặn do tỉnh đầu tư đã khép kín đến địa bàn xã Tam Bình. Riêng 3 cửa sông còn lại gồm: Trà Tân, Ba Rài và Phú An khi mặn xâm nhập đến khu vực này thì sẽ tiến hành đóng các đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Việc xác định các vị trí để đắp các đập tạm đã được ngành Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan khảo sát, tính toán kỹ. Cơ bản, các vị trí đắp đập sẽ đảm bảo yêu cầu ngăn mặn. Đối với những khu vực sản xuất nằm phía ngoài đập tạm đã có hệ thống cống khép kín, đảm bảo ngăn mặn.

Bên cạnh chủ động sẵn sàng đắp các đập tạm, công tác phòng, chống hạn, mặn cho các xã cù lao trên sông Tiền cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương, hiện xã chưa có hệ thống đê bao khép kín để ngăn mặn. Do đó, xã đã đề xuất UBND huyện, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đắp 5 đập tạm tại đầu các cửa sông tiếp giáp với sông Tiền nhằm bảo vệ vùng chuyên canh sầu riêng 1.479 ha. Bên cạnh đó, xã còn đề xuất huyện nạo vét các tuyến kinh nội đồng, sửa chữa các cửa cống trên tỉnh lộ, huyện lộ để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt.

Ngoài ra, xã còn vận động người dân trang bị máy đo độ mặn, chủ động đóng các nắp cống, bọng lấy nước vào mương vườn. Đồng thời, vận động người dân dọn cỏ, lục bình ở các mương, vườn để tăng lượng nước ngọt tích trữ và đào ao tích trữ nước. Xã đã vận động người dân giữ ẩm cho gốc cây bằng cách không xịt thuốc cỏ, đậy gốc và tưới nước tiết kiệm.

Song song đó, xã cũng khuyến cáo người dân trong những tháng xâm nhập mặn hạn chế xử lý ra hoa nghịch vụ để đảm bảo lượng nước tưới và sinh trưởng cho cây. “Vừa qua, tỉnh đã đầu tư cho xã Ngũ Hiệp 7 giếng khoan tầng sâu. Trên cơ sở đó, khi mặn xâm nhập đến, các giếng khoan này sẽ được vận hành để cung cấp nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho vườn cây” - đồng chí Nguyễn Hồng Thương cho biết thêm.

Theo đồng chí Trần Quốc Bình, các cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp và cồn Long Đức (thuộc xã Tam Bình) nằm giữa sông Tiền, do đó phải có phương án riêng để phòng, chống hạn, mặn. Huyện đã có phương án và thiết kế các đập tạm ở các cửa sông giáp với sông Tiền để khi mặn xâm nhập đến Vàm Mơn (sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre) thì sẽ tiến hành đóng các đập thép. Bên trong đập, người dân sẽ tích trữ nước để phục vụ tưới tiêu.

Ngoài ra, địa phương được tỉnh đầu tư 14 giếng khoan cho 2 cù lao Tân Phong và Ngũ Hiệp để bơm bổ cấp nước ngọt phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập đến. Hiện các giếng đã sẵn sàng vận hành.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202402/chu-dong-phong-chong-han-man-voi-tinh-than-cao-nhat-1002972/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: