ĐBSCL: Liên tiếp xảy ra các điểm sạt lở đất bờ sông

Đăng ngày: 25-04-2019 | Lượt xem: 1001
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Hậu Giang đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất bờ sông, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng của người dân.
lo1
Hiện trường vụ sạt lở tại khu vực Thới Lợi, P. Thới An, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ làm ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân

Vào rạng sáng ngày 24/4/2019, tại khu vực đang thi công bờ kè sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, P. Thới An, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ) đã xảy ra một vụ sạt lở, ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân. Điều đáng lưu ý là vị trí sạt lở này nằm phía trong nơi từng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng gây hư hại 34 căn nhà của người dân vào ngày 21/5/2018 (Báo điện tử TN&MT đã đưa tin về vụ việc này).

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, sau khi vụ sạt lở xảy ra, các cơ quan chức năng Thành phố đang khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn.

“Đoạn sạt lở vào sáng ngày 24/4 nằm ở một đoạn sông Ô Môn phía bờ phải tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, với chiều dài 60m, ăn sâu vào trong 5m. Vụ sạt lở đất bờ sông không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm 11 căn nhà dân bị hư hỏng” - ông Ninh thông tin.

Để xác định nguyên nhân gây ra vụ sạt lở trên địa bàn, ông Nguyễn Quý Ninh cho biết: Hiện tại, TP. Cần Thơ đang phối hợp với Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam khảo sát lòng sông để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.  

Ông Nguyễn Văn Út Nở, ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An cho rằng, khi ông  đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động lớn phía bờ sông. Ngay sau đó, khu vực kè bằng bao cát cùng hàng cọc được đóng để bảo vệ bất ngờ sụp chìm xuống sông, rồi dần ăn sâu vào đến tận nhà dân.

lo2
Nhiều người dân vùng ĐBSCL tự ý cơi nới cất nhà sát các tuyến sông đang là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở đất

Trước đó, vào ngày 15/4/2019, trên đoạn kênh 7 thuộc ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (cặp tuyến Quốc lộ 80) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 30m cuốn trôi 4 căn nhà liền kề của người dân ra kênh Cái Sắn, gây thiệt hại trên 1 tỉ đồng. Nguyên nhân vụ sạt lở được xác định là do đang trong mùa khô, mực nước trên kênh rút thấp; đồng thời, khu vực sạt lở có đoạn kè do người dân tự làm, nhưng không đảm bảo độ chắc chắn.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra tổng cộng 11 điểm sạt lở; trong đó, tập trung ở huyện Châu Thành với 10 điểm, làm mất trên 1.000m2 đất, tổng thiệt hại trên 400 triệu đồng. Vào ngày 30/3/2019, trên tuyến kênh Xẻo Chồi, ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành xảy ra vụ sạt lở bờ kênh với chiều dài 21m, sâu vào trong bờ 3m.

Vụ sạt lở làm mất đất ta-luy ven lộ giao thông nông thôn và tạo hàm ếch dưới mặt lộ dài 15m, rộng 1m, sâu 2,5m. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn huyện Châu Thành, sạt lở đất bờ sông trên địa bàn huyện tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và đầu mùa mưa sạt lở có thể cao hơn trung bình nhiều năm.

Để ứng phó với tình trạng sạt lở, huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch ứng phó; tổ chức khảo sát lại những điểm có nguy cơ sạt lở cao cắm bảng cảnh báo cho người dân lưu ý khi di chuyển; hạn chế tối đa việc nạo vét lòng kênh, nghiêm cấm xây dựng nhà ven sông; hạn chế xây dựng lộ giao thông sát mé sông; khuyến khích người dân trồng cây giữ đất bờ sông, chống xói mòn.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Nguyễn Văn Kiệt cho rằng, để phòng chống sạt lở về lâu dài, huyện Châu Thành đã tham mưu các ngành, các cấp di dời các tuyến đê bao vào trong cách xa tuyến kênh để đảm bảo giao thông, đi lại của bà con và hạn chế tối đa sạt lở.

Đổng thời, vận động người dân thực hiện kè sinh thái để hạn chế xói mòn, sạt lở ta-luy ảnh hưởng lộ giao thông; thực hiện di dời dân cư, xây dựng tuyến đê bao đối với các điểm sạt lở cao cặp sông Cái Côn, Mái Dầm. Ngoài ra, tiếp tục đầy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di dời vào tuyến đê bao Mái Dầm và chắn sóng, hạn chế tác động dòng chảy.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: