Các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ hiện đang theo dõi sát sao diễn biến mực nước trên sông Hậu
Nhằm giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn, vừa qua, tỉnh An Giang đã tiến hành xả nước ở 02 đập Tha La và Trà Sư. Ông Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết: Sau khi xả đập, mực nước nội đồng khu vực tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang có tăng thêm, tuy nhiên do các địa phương có sự chủ động theo dõi diễn biến mực nước, gia cố đê bao, cống bọng,... nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với lũ từ thượng nguồn về, đến ngày 12/9/2018, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,4m, Châu Đốc 3,9m, chỉ còn cách 0,1m so mức báo động 3. Ở khu vực nội đồng tứ giác Long Xuyên, mực nước ngày 12/9/2018 tại Xuân Tô có khả năng đạt 4m, ngang báo động 3; trên kênh Tri Tôn tại huyện Tri Tôn lên mức 2,6m...
Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp và có khả năng lên cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp và ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao xung yếu, tại chuyến khảo sát tình hình ứng phó lũ, bảo vệ lúa ở những vùng xung yếu, sản xuất ngoài đê bao quy hoạch 3 vụ ở các xã: Lương An Trà, Vĩnh Phước, Lạc Quới và Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Võ Anh Kiệt đã yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó, chú ý tập trung đầy đủ phương tiện như xáng cạp, dây kẽm, cao su, cưa máy..., tổ chức ứng trực bảo vệ đê bao. Đối với diện tích 8.400ha lúa Thu Đông ngoài đê bao, cần huy động sức dân tập trung bảo vệ, đặc biệt là diện tích hơn 2.000ha lúa tại vùng xung yếu, làm tiền đề để sản xuất các vụ sau an toàn hơn.
Đối với việc xuống giống vụ lúa Thu Đông, người dân cần tuân thủ theo lịch thời vụ của cơ quan chức năng để tránh thiệt hại
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT -TKCN TP.Cần Thơ cho biết, ngày 31/8/2018, tỉnh An Giang đã tiến hành xả nước ở 02 đập Trà Sư và Tha La. Từ đó đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Cần Thơ luôn giám sát chặt chẽ mực nước trên các tuyến sông để có biện pháp ứng phó. Hiện nay, Cần Thơ đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa Thu Đông ở khu vực đê bao thấp thuộc huyện Vĩnh Thạnh đang bị ảnh hưởng từ nước lũ. Dự kiến diện tích lúa này phải đến giữa tháng 8 âm lịch mới có thể thu hoạch, nên huyện Vĩnh Thạnh đã huy động các phương tiện túc trực tại các cánh đồng để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố bất thường, lũ đột ngột lên nhanh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn TP.Cần Thơ, trong đợt triều cường đầu tháng 8 âm lịch sắp tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên xấp xỉ báo động III và diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng lũ có khả năng lên cao, tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng lên mức 1,95 - 2,00m, vượt mức báo động III 0,05 đến 0,10m. Thời gian mực nước lên cao nhất của đợt triều này vào các ngày 11, 12 và ngày 13/9/2018 (nhằm ngày 2, 3 và ngày 4/8 âm lịch).
Trước tình hình trên, để chủ động bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do lũ, ông Nguyễn Quý Ninh cho biết: "Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP.Cần Thơ đề nghị, các thành viên Ban, UBND và Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các quận, huyện khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh rạch để chủ động phòng tránh và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Đồng thời, ngành chức năng kiểm tra thường xuyên những khu vực đang diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời người dân đến nơi an toàn.
Đối với các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó với lũ, ở những khu vực ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao gây ngập trên diện rộng triển khai phương án đảm bảo an toàn các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ, chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các loại cây trồng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra các hệ thống đê bao, cống, đập để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đê bao ở các quận, huyện đầu nguồn như: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP.Cần Thơ cũng yêu cầu, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ. Đối với các khu vực ngập sâu, dòng chảy xiết cần có kế hoạch cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án di dời người dân vào các khu vực cụm tuyến dân cư tập trung khi lũ lên cao.
Theo các ngành chức năng của Cần Thơ và Hậu Giang, việc xả nước 02 đập Tha La và Trà Sư ngày 31/8/2018, không ảnh hưởng nhiều đến các địa phương này
Còn ở tỉnh Hậu Giang, sau 05 ngày tỉnh An Giang xả đập Tha La và Trà Sư, mực nước trên các sông không có biến động nhiều. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang lưu ý, chính quyền địa phương, người dân về mực nước trên các sông sẽ tăng do ảnh hưởng của đợt triều cường vào gần giữa tháng 9/2018. Do đó, các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ để có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Tỉnh Hậu Giang cũng đã có kế hoạch để chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị địa phương giám sát chặt chẽ diễn biến mực nước trên các sông; thường xuyên kiểm tra đê bao, cống đập, đảm bảo an toàn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đê bao đã được bố trí vớn năm 2018. "Vụ lúa Hè Thu, tỉnh Hậu Giang xuống có khoảng 76.000ha, hiện nay, đã thu hoạch được trên 90%; diện tích lúa Hè Thu còn lại, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Vụ lúa Thu Đông, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 49.000ha, hiện một số người dân đã xuống giống thì phải thường xuyên kiểm tra cống bọng để nước không tràn vào gây thiệt hại", ông Trần Thanh Toàn khuyến cáo.
Nguồn: Báo TN&MT