Hiện tượng ENSO
Trong năm 2021, chịu ảnh hưởng của hiện tượng “La Nina kép” với ENSO ở trạng thái La Nina từ những tháng cuối năm 2020 sang đến những tháng đầu năm 2021, sau đó ENSO chuyển sang pha trung tính trong những tháng giữa năm và lại quay lại trạng thái La Nina trong những tháng cuối năm 2021.
Cụ thể, trạng thái La Nina kéo dài khoảng 10 tháng (từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021) với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) khu vực NINO 3.4 trung bình trượt 3 tháng có giá trị giảm mạnh nhất vào tháng 10, 11 và 12/2020 với giá trị chuẩn sai -1,30C, sau đó SSTA khu vực NINO 3.4 tăng chậm dần và chuyển sang trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha lạnh trong khoảng 2-3 tháng mùa hè năm 2021 trước khi giảm trở lại vào cuối năm 2021. Hiện tại, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) khu vực NINO 3.4 trung bình trượt 3 tháng 10, 11 và 12/2021 đang ở mức -1,00C và đang tiếp tục được xác định trong trạng thái La Nina.
Diễn biến SSTA khu vực Nino3.4 trung bình trượt 3 tháng (màu cam) so với trung bình (màu xanh) từ nửa cuối năm 2020 đến hết năm 2021
Các đặc điểm thời tiết năm 2021
Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ)
Trong năm 2021, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 09 cơn bão và 03 ATNĐ, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó có 05 cơn bão (bão số 2, 5, 6, 7, 8) và 02 ATNĐ (tháng 7 (5-8/7) và tháng 10 (24-27/10)) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong số đó, có đến 3 cơn bão suy yếu thành ATNĐ trước khi đi vào đất liền là cơn bão số 5, số 7 và số 8.
Ngoài ra, có 2 cơn bão (bão số 3 và bão số 9) tuy không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta nhưng hoàn lưu của bão cũng gây mưa lớn và gió mạnh trên biển. Đặc biệt cơn bão số 9, được hình thành vào cuối mùa bão (tháng 12) nhưng có cường độ mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Trong thời gian hoạt động trên Biển Đông, bão số 9 luôn duy trì cường độ trên cấp 13 trong suốt 54 tiếng. Tại trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây đã quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đây là trị số gió đo được trực tiếp lớn nhất trong vòng khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam.
Lượng mưa, mưa lớn
Trong năm 2021, trên cả nước đã xảy ra 28 đợt mưa lớn diện rộng. Các đợt mưa lớn tập trung chủ yếu trong các tháng 8, 9, 10 và 11. Trong đó, đáng lưu ý là đợt mưa lớn xảy ra từ ngày 22-25/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông trên cao nên tại Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, có nơi trên 700mm như: Thăng Bình (Quảng Nam) 941mm, Núi Thành (Quảng Nam) 845mm, Bình Khương (Quảng Ngãi) 847mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 808mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 700mm, Quảng Ngãi 700mm…. Đặc biệt, trong ngày 23/10, đã ghi được lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử (GTLS) (Tam Kỳ 488mm vượt GTLS: 381mm(2010/2001); Quảng Ngãi 515mm vượt GTLS 342mm (22/10/1998).
Trong năm 2021, tổng lượng mưa (TLM) cả nước phổ biến 1000-3000mm, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có TLM đạt 3000-5000mm. Cả nước chỉ có khu vực phía Nam tỉnh Sơn La và phía Bắc tỉnh Bình Thuận có TLM nhỏ hơn 1000mm. Tại Bắc Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt tại các nơi như khu vực phía Nam Sơn La, vùng núi Đông Bắc và Việt Bắc từ 10-20% có nơi thiếu hụt đến 50% so với TBNN. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Việt Bắc và vùng núi Tây Bắc có lượng mưa phổ biến đạt mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 10-20%. Trong khi đó, tại khu vực Trung Bộ, với các hình thế gây mưa đa dạng và điển hình như bão và áp thấp nhiệt đới hay nhiễu động gió Đông, đặc biệt diễn ra trong các tháng mùa mưa làm cho TLM cao hơn TBNN từ 20-50%; thậm chí ở nhiều nơi vượt GTLS đã từng quan trắc được. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến thiếu hụt so với TBNN từ 10-20%; riêng một số khu vực tại Tây Nam Bộ và Bắc Tây Nguyên có lượng mưa cao hơn TBNN từ 10-20%, có nơi đến 50% so với TBNN
Mùa lũ các sông suối khu vực Bắc Bộ xuất hiện ít lũ. Tổng số có 07 đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2-6m, chủ yếu là lũ vừa và lũ nhỏ trên các sông suối nhỏ. Trong mùa khô, mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng thời kỳ liên tiếp xuất hiện tại Tuyên Quang (hạ lưu sông Lô), xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử trong tháng 6. Nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 15-50% so với TBNN, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà trong các tháng mùa lũ chính vụ, riêng hạ lưu sông Lô, sông Hồng và sông Thao thiếu hụt từ 70-90%.
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đã xuất hiện 09 đợt lũ trên diện rộng và một số trận lũ xảy ra cục bộ trên các sông nhỏ. Các trận lũ vừa và lớn tập trung vào tháng 10/2021. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến mức BĐ2-BĐ3, một số nơi trên BĐ3; riêng đợt lũ từ ngày 28/11-03/12, đỉnh lũ trên các sông tử Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3.
Mực nước cao nhất năm 2021, trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,79m (ngày 22/10), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,57m (ngày 21/10).
Trong năm 2021, ngập lụt và sạt lở đất đã xảy ra nhiều nơi thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Trong các tháng mùa cạn năm 2021, mực nước trên phần lớn các sông biến đổi chậm, theo xu thế xuống dần. Trên một số sông ở Trung Bộ, mực nước đã xuống mức thấp trong chuỗi số liệu quan trắc so với cùng thời kỳ như: Sông Bến Hải (Quảng Trị) tại Gia Vòng, sông Vu Gia (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa; sông Thu Bồn (Quảng Nam) tại Giao Thủy; sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi) tại An Chỉ; sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) tại Đồng Trăng.
Trong mùa khô năm 2020-2021, ở Nam Bộ đã có 03 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh ở ĐBSCL nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.
+ Triều cường, sóng lớn, nước biển dâng:
Trong năm 2021, khu vực ven biển và hải đảo chịu ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 6, 7, 8, 9 và ATNĐ tháng 10 gây nhiều đợt sóng lớn. Trên Biển Đông, bão số 8 đã ghi nhận độ cao sóng lên tới 8m, bão số 9 từ 8-9m qua số liệu vệ tinh.
Tại khu vực ngoài khơi, bão số 8 đã gây sóng lớn trên 3m từ Thanh Hóa An đến Quảng Ngãi, tại vùng biển ven bờ sóng biển cao phổ biến 1,5-2,5m.
Tạp chí KTTV tổng hợp