Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng ngàn ha rừng báo động cháy

Đăng ngày: 26-02-2020 | Lượt xem: 2134
Nhiều tháng qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có cơn mưa nào, đặc biệt hệ thống kênh rạch trữ nước ở ngoài và trong các khu rừng ngày càng cạn kiệt, lớp bề mặt bị khô hạn khiến nguy cơ cháy rừng rất cao…

Vườn quốc gia U minh Hạ.

Khô hạn, báo động nguy cơ cháy rừng

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gay gắt và được cảnh báo sẽ còn kéo dài đến tháng 5 và 6/2020 khiến cho ngành chức năng của Cà Mau lo lắng nguy cơ cháy rừng. Trong tổng số diện tích tự nhiên của Cà Mau trên 522.118 ha thì diện tích đất có rừng tập trung chiếm 95.950,8 ha. Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau dự báo diện tích rừng dễ xảy ra cháy nằm ở khu vực U Minh Hạ và rừng cụm đảo khoảng 53.863,7ha tại 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển (Đảo Hòn Khoai). Số rừng này hiện có 15 đơn vị trực tiếp quản lý và có 07 xã quản lý đất rừng giao hộ gia đình sử dụng.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết: Những ngày qua nắng nóng kéo dài lại không có mưa nên hơn 8.527 ha rừng của đơn vị đang ở mức báo cháy cấp III. Đặc biệt có trên 2.500 ha rừng bên trên dây leo đã khô héo.

Nắng nóng kết hợp gió mạnh tiếp tục kéo dài khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong rừng đang bốc hơi rất nhanh. Vào thời điểm này các năm trước, mực nước dưới kênh rạch trong rừng còn hơn 3 mét nhưng hiện tại chỉ còn từ 2 đến 2,3m. Trong khi đó, hệ thống các kênh trục vùng ngọt bên ngoài lâm phần đang trong tình trạng cạn kiệt…

Ở Kiên Giang, khu vực Vườn quốc gia U Minh Thượng cũng đang trong tình trạng báo động. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng cũng lo lắng khi, thời điểm này đang là cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt tiếp tục kéo dài, nước bốc hơi nhanh nên mực nước dưới kênh rạch cạn xuống dần, trung bình mỗi tháng khoảng 15 cm. Dự báo nếu tiếp tục khô hạn trong 2 đến 3 tháng tới, lâm phần Vườn quốc gia U Minh Thượng cấp dự báo cháy rừng cấp 3, cấp 4 và có nơi cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào...

Ở Hậu Giang Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích trên 2.800 ha chủ yếu là rừng tràm cũng đang được địa phương tập trung theo dõi 24/24 về công tác phòng cháy chữa cháy.

Khẩn trương các biện pháp phòng chống

Đến thời điểm này, Cà Mau đã đắp và xây dựng được 84 cống, đập để giữ nước phục vụ công tác phòng chống cháy rừng, sơn sửa và xây dựng mới 87 chòi quan sát lửa. Đồng thời, sửa chữa và mua mới hơn 100 máy bơm chữa cháy; dọn kênh lưu thông hơn 180km…
Bên cạnh đó tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân cần chấp hành tốt công tác phòng chống cháy rừng trong suốt mùa khô. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện quy định về phòng chống cháy rừng. Tại những điểm có nguy cơ cháy rừng cao sẽ bố trí lực lượng túc trực 24/24 để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Chiều ngày 25/2, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn, đã có chuyến thực tế làm việc, kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ Cà Mau. Trong chuyến kiểm tra này Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: Ngoài việc bảo vệ hệ sinh thái, trước hết là bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, Vườn quốc gia U Minh Hạ cần tính đến vấn đề nghiên cứu khoa học đảm bảo an toàn cho phòng cháy chữa cháy, quan tâm đến vấn đề giữ nước. Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu khoa học để đảm bảo cân bằng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái đặc trưng.

Mới đây trong chuyến trực tiếp kiểm tra về công tác phòng chống cháy rừng tại Khu bảo tổn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng yêu cầu khu bảo tồn tổ chức rà soát và xác định cụ thể những khu vực gò, cao có thực bì bị khô thì tiến hành tưới nước để làm ướt và tạo độ ẩm cho rừng. Đồng thời, sử dụng thuyền bơm đưa nước từ dưới kênh rạch lớn ngoài rừng vào các kênh trong rừng trữ lại nhằm phục vụ công tác phòng chống cháy rừng.

Cả nước đang có 25 tỉnh, thành phố có cảnh báo cháy rừng cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm, cùng với nhiều địa phương có cảnh báo cháy rừng cấp III, IV. Nhiều nơi diện tích rừng có nguy cơ từ cấp 3 trở lên chiếm đến 70% như Cà Mau, An Giang…

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: