Đồng bằng sông Cửu long bị xâm nhập mặn: Cần Thơ có chịu ảnh hưởng?

Đăng ngày: 20-12-2019 | Lượt xem: 1835
Năm nay, xâm nhập mặn đến sớm hơn so với dự báo khiến bà con trở tay không kịp.

Hạn mặn đe dọa người nông dân

Ngày 18/12, liên quan vấn đề này, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ cho biết, nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) đang bị uy hiếp bởi xâm nhập mặn.

Trong thời gian này, Đài đã thực hiện công tác theo dõi sát sao và khẳng định TP Cần Thơ chưa xảy ra tình trạng xâm nhập mặn. Song, đơn vị vẫn sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời thông tin đến người dân.

Là đô thị miền sông nước, TP Cần Thơ thuộc vùng phù sa nước ngọt và nằm ở hạ lưu sông Mê Kông nên ít chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn như những tỉnh ven biển. Tuy nhiên, sự gay gắt của trận xâm nhập mặn lần này có khả năng vượt mặt hạn mặn lịch sử năm 2016 (đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua).

Thiệt hại ba năm trước đối với 13 tỉnh, thành ĐBSCL là khoảng 5.000 tỷ đồng. Dù thời điểm này, TP Cần Thơ chưa nằm trong vùng báo động nhưng vẫn cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó nếu lịch sử lặp lại.

Sâu, cao, rộng là ba tính từ miêu tả phù hợp về tình trạng xâm nhập mặn vùng Tây Nam Bộ ở thời điểm hiện tại. Việc mất cân đối về nguồn nước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến trung tâm nông nghiệp của nước ta. Khi mùa khô kéo theo hạn mặn, việc sản xuất, canh tác và sinh hoạt đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ngành chuyên môn, năm nay khu vực Miền Tây không những chịu xâm nhập mặn sớm hơn khoảng một tháng mà độ mặn cũng cao hơn so với các năm trước. Cùng với đó, khả năng hạn mặn sẽ kéo dài trên diện rộng và tấn công sâu vào nội đồng. Tại hai huyện Mang Thít và Vũng Liêm (Vĩnh Long) độ mặn đã trên 5‰, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre độ mặn đo được trên 4‰.

Nhiều nhà vườn lao đao vì Tết đã cận kề nhưng không có nước tưới tiêu cho cây trồng, hoa màu, đòi hỏi chi phí đầu tư cao nhưng năng suất bị đe dọa. Mọi năm, phải sau Tết Nguyên Đán xâm nhập mặn mới xuất hiện nên tình trạng ghé thăm sớm của năm nay khiến hàng ngàn hộ dân bất ngờ, trở tay không kịp. Bên cạnh đó, một số vùng bà con không có nước ngọt sinh hoạt, ăn uống nên đời sống cũng vô cùng bấp bênh.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến mùa vụ là điều không thể tránh khỏi  

“Cấp cứu” vùng đồng bằng

Trước thực trạng trên, các sở, ban, ngành các tỉnh, thành đã khẩn trương tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020. Chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, chủ động ngân sách cùng người dân chung tay phòng, chống hạn, mặn.

Theo đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con sử dụng nước tiết kiệm, tiến hành trữ nước ngọt vì dự báo năm nay hạn mặn có thể kéo dài đến 5 tháng. Đồng thời, cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, cây trồng hợp lý. Nông dân cần tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với lợi thế của từng vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, việc tập trung chuyển đổi diện tích lúa có hiệu quả kinh tế kém sang những loại cây trồng khác mang giá trị kinh tế cao hơn, được thị trường ưa chuộng hoặc chăn nuôi đa dạng để nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất. Mặt khác, để giảm bớt khó khăn cho bà con, nguồn nước ngọt cũng sẽ được ngành chức năng chú trọng như cấp nước ngọt cho các hộ dân nằm ở vùng sâu vùng xa không có nước sử dụng, nâng cấp các kênh, các trạm bơm hỗ trợ cho hệ thống tích trữ nước ngọt.

Cụ thể, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp triển khai giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn do mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp, tình trạng hạn, mặn  mùa khô 2019 - 2020 khá nghiêm trọng. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương chống hạn mặn với tinh thần quyết liệt. Ngoài ra, để vấn đề nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt đời sống được đảm bảo, cơ quan chức năng khuyến khích bà con mua thùng trữ nước ngọt.

Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã mở cuộc họp ứng phó khẩn xoay quanh vấn đề này. Từ thực tế, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai các kế hoạch “cấp cứu” như đắp đập, nạo vét hệ thống thủy lợi, bố trí trạm, máy bơm cấp nước... đảm bảo cho sản xuất vụ mùa. Dù vẫn chưa có dấu hiệu về xâm nhập mặn nhưng TP Cần Thơ cũng đã chủ động thực hiện các công trình thủy lợi nội đồng để ngăn chặn và ứng phó kịp thời khi có hạn, mặn xuất hiện trên địa bàn.

Theo baophapluat.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: