Dự báo miền Tây “đói lũ”

Đăng ngày: 25-07-2019 | Lượt xem: 4745
Theo thông báo từ Ủy hội sông MêKông (MRC), từ khu vực Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan, đến Luang Prabang, Vientiane, Lào và Neak Luong (Campuchia), mực nước sông MêKông đều ở dưới mức thấp kỷ lục.

Ở Chiang Saen, mực nước sông hiện tại là 2,1m, thấp hơn 3,02m mức trung bình cùng kỳ trong suốt 57 năm qua (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75m so với mức nước tối thiểu từng đo được. Tại Vientiane, mực nước sông MêKông là 0,70m, thấp hơn 5,54m so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm qua, thấp hơn 1,36m so với mực nước tối thiểu từng đo được.

Ở tỉnh Kratie (Campuchia), nước sông MêKông cao 9,31m, thấp hơn 5,4m so với mức trung bình nhiều năm. Mực nước sông MêKông ở vùng Tam Giác Vàng ở mức thấp nhất so với mức thấp kỷ lục năm 1973.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định: “Nguyên nhân làm mực nước sông MêKông xuống thấp, do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay”.

 

Mực nước sông Vĩnh Hội Đông, tỉnh An Giang cạn khô, nhiều ghe xuồng nằm bờ.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), mực nước sông MêKông xuống thấp do nhiều nguyên nhân tác động từ tự nhiên và của con người. “Năm nay là năm bị khô hạn, các nước ở thượng nguồn thấy thiếu nước nên họ tìm cách giữ nước lại. Đập Xayabury ở Lào vừa xây xong, giờ họ đóng đập chặn ngang dòng sông để chạy thử tổ máy, làm nước không chảy xuống vùng Hạ Lào, Biển Hồ (Campuchia) và ĐBSCL.

Thông thường, lũ về ĐBSCL vào đầu tháng 8 và thời điểm này Biển Hồ tràn đầy nước. Nhưng bây giờ đã gần cuối tháng 7 mà nước ở Biển Hồ rất thấp, nên chắc chắn năm nay lũ về ĐBSCL nhỏ”, PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích.

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy trên dòng chính sông MêKông. Qua đo đạc của Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, mực nước nhánh vào hồ Tonle Sap tại Prek Kdam ngày 5-7 ở cao trình 1,45 m, thấp hơn so với trung bình nhiều năm 2,33m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 1,39m.

Từ đầu tháng 6-2019, các thủy điện Trung Quốc giảm xả nước xuống hạ lưu, bắt đầu quá trình tích nước mới cho các hồ, điều tiết dòng chảy về ĐBSCL giảm. Mực nước tại trạm Chiang Sean (giáp với Trung Quốc, cách Việt Nam khoảng 2.209km) ngày 5-7, mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 1,3m và thấp hơn trung bình nhiều năm 1,87m.

Tại ĐBSCL, tính đến thời điểm hiện nay, tiềm năng nguồn nước cho mùa khô 2019 khoảng 7.000m3/s. Dự báo trong tuần tiếp theo, nguồn nước về có khả năng ở mức trên dưới 9.000-10.000m3/s, thấp hơn cùng thời kỳ mùa khô năm 2018.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, với một năm trung bình, sông MêKông có tổng lượng nước là 475 tỉ m3. Lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Do đó, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ thượng nguồn chảy về.

“Nước ở lưu vực MêKông ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL năm nay và xâm nhập mặn vào khoảng tháng 3-2020 rất gay gắt”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện dự báo.

Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL cần chủ động điều tiết nước và bơm tát đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ hè thu. Đồng thời, đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do triều cường với khu vực giáp ranh vùng ven biển Tây, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả, vùng giáp ranh với mặn cần theo dõi chặt chẽ chất lượng nước.

PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam, Sở NN-PTNT, Chi cục Thuỷ lợi, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cần khuyến cáo, hướng dẫn người dân trữ nước mưa lại, canh tác loại cây trồng cần ít nước và sử dụng tiết kiệm nước.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: