Gần 12.000 trẻ nhập viện mỗi ngày vì nắng nóng

Đăng ngày: 18-04-2019 | Lượt xem: 1271
TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang chịu đợt nắng nóng cao điểm kéo dài suốt từ Tết nguyên đán đến nay. Nhiệt độ trong ngày thường xuyên từ 35-37 độ C khiến trẻ nhỏ, người già mắc bệnh nắng nóng tăng cao.
nhi1nang
Trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), số lượng bệnh nhi đến thăm khám liên quan đến các bệnh nhi do nắng nóng lên đến khoảng 5.000 trẻ mỗi ngày.

Các bệnh nhi nhập viện tại đây phần lớn là bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi và tiểu phế quản.

Chị Thanh Hoài (ngụ Q.8) - đang chăm sóc con tại khoa Hô hấp của bệnh viện này cho biết, con chị bị ho vài ngày, sau đó sốt cao, thở mạnh. Gia đình đưa bé đến bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi.

BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm.

Tình trạng nắng nóng khiến bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt các bệnh lý hô hấp.

Ngoài ra có thể bị bệnh tiêu hóa do nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây bệnh đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đờm máu.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám mỗi ngày, khoảng 7% phải nhập viện nội trú.

Trong đó, số lượng bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp đang đứng đầu, các bệnh khác như tay chân miệng, tiêu hóa đều tăng từ 15 - gần 50% so với tháng trước.

BS Thu khuyến cáo, trời nắng nóng nên trẻ dễ bị sốc nhiệt khi đi từ ngoài nắng vào trong nhà có máy lạnh. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý nên sử dụng máy lạnh ở mức độ vừa phải, dùng quạt ở mức thấp.

Không chỉ bệnh nhi mà lượng bệnh nhân cao tuổi điều trị do thời tiết nắng nóng tại các bệnh viện cũng tăng lên rõ rệt. Trong đó, chủ yếu là bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, các bệnh lý về khớp.

BS.CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, các bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng này là bệnh phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt…

Khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn. Đặc biệt là ở trẻ em hay người già lớn tuổi mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn.

Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao người dân cần chú ý mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng lâu.

Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống…

Theo Infonet

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: