Hạn hán ở Trung Bộ có xu hướng lan rộng

Đăng ngày: 01-06-2020 | Lượt xem: 2036
Từ ngày 1-10/6, tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ có xu hướng lan rộng và diễn ra tại các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên xu thế hạn hán tiếp tục giảm dần.

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian này, miền Trung phổ biến ít mưa. Mưa rào và dông tập trung chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh với lượng không nhiều, khả năng cao nhất từ ngày 6 đến 8/6.

Từ Quảng Bình đến Bình Thuận phổ biến chỉ có mưa rào cục bộ vài nơi. Tây Nguyên có mưa rào và dông, tập trung vào chiều tối và đêm. Tổng lượng mưa ở Trung Bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ 50%, Tây Nguyên phổ biến thấp hơn 10-30%.

Từ ngày 1-10/6, mực nước các sông ở Tây Nguyên có dao động, các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn TBNN từ 26-65%, một số sông thấp hơn trên 75%.

Cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán tại Trung Bộ và Tây Nguyên ở cấp 1-2. Riêng Ninh Thuận, Bình Thuận ở cấp 2-3.

Năm 2020, lũ ở ĐBSCL dao động từ báo động 1-báo động 2

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, từ tháng 6-9, tổng lượng mưa ở ĐBSCL phổ biến mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Sang tháng 10 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-30%; tháng 11 lượng mưa xấp xỉ TBNN…

Đối với diễn biến lũ ở sông Cửu Long, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, năm 2020 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ trong năm ở đầu nguồn sông Cửu Long, tại Tân Châu và Châu Đốc dao động khoảng từ báo động 1-báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4 m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ dự báo khoảng cuối tháng 9. Trong khi đó, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam dự báo, cuối tháng 7, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc dao động mức 2-2,3 m.

Với mức lũ không cao này, hầu hết diện tích sản xuất lúa hè thu ở ĐBSCL trong các ô bao kiểm soát lũ đều an toàn. Ngoại trừ một số diện tích ngoài ô bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần chủ động xuống giống sớm để thu hoạch trước thời gian này.

Các địa phương cần kiểm tra và gia cố các đê bao chưa vững chắc, nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất trong mùa mưa lũ.

Đối với đỉnh lũ chính vụ, dự báo khoảng cuối tháng 9, với mức từ 3,4-3,8 m (xấp xỉ và thấp hơn TBNN), nên kế hoạch sản xuất từ 750.000-800.000 ha lúa Thu Đông ở ĐBSCL đa phần nằm trong các ô bao kiểm soát lũ, không bị ảnh hưởng. Song, cần đề phòng những ô bao có bờ bao xung yếu hoặc rò rỉ, nhằm gia cố an toàn.

Tổng cục Thủy lợi cũng lưu ý, khu vực thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL do ảnh hưởng lũ kết hợp triều cường năm 2020 được dự báo cao hơn TBNN, nên có khoảng 474 ô bao có nguy cơ ảnh hưởng, với tổng diện tích sản xuất khoảng 120.000 ha. Trong số này, Đồng Tháp có 44 ô bao ảnh hưởng khoảng 10.000 ha, Hậu Giang có 136 ô bao ảnh hưởng 26.000 ha, Tiền Giang có 9 ô bao ảnh hưởng 5.900 ha, Vĩnh Long có 158 ô bao ảnh hưởng 38.000 ha, Cần Thơ 86 ô bao ảnh hưởng 17.000 ha… Các địa phương cần rà soát để gia cố và có giải pháp ứng phó phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tổ chức sản xuất sớm lúa Thu Đông để né lũ. Sau khi thu hoạch lúa xong cần nhanh chóng xả lũ vào nội đồng để lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: