Hàng loạt điểm đê ở ngoại thành Hà Nội sụt lún, nứt toác nghiêm trọng

Đăng ngày: 27-10-2021 | Lượt xem: 2250
Sau những đợt mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều điểm đê tại sông Hồng, sông Đáy xảy ra sự cố sụt lún, nứt toác nghiêm trọng.

Do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 khiến nước sông Đáy dâng cao, đường đê tả sông Đáy đoạn qua xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị sụt lún, đứt gãy nghiêm trọng.

Đoạn sụt lún tại đây dài khoảng 40m, rộng 8-10m. Sau khi phát hiện, chính quyền đã gia cố đê bằng cách dùng bạt và bao cát nhằm tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hai đầu đoạn sụt lún đều được đặt biển cảnh báo nguy hiểm, các phương tiện có trọng tải lớn đều rất cẩn thận khi đi qua khu vực trên.

Cũng đoạn đê sông Đáy, tại xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội), vết nứt kéo dài tách đôi đường đê hữu. Người dân cho biết, đây là vết nứt mới xuất hiện sau những ngày mưa lớn do ảnh hưởng cơn bão số 7 và số 8.

Theo địa phương, vết nứt và đoạn sụt lún dài khoảng 50m và khe nứt giãn khoảng 5-6cm; sụt so với mặt đường khoảng 5cm.

Sau khi phát hiện, UBND xã Yên Sơn đang lập biển cảnh báo, phủ bạt và chặn lối đi từ đê xuống để theo dõi.

Một điểm sụt lún nghiêm trọng hơn diễn ra trên đê hữu sông Đáy thuộc xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Được biết, tình trạng trên bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2021, đây là tuyến có đường tỉnh lộ 419 chạy qua, nối thị xã Sơn Tây và quận Hà Đông.

"Hiện tại đoạn sạt lún khoảng 120m và sụt lún so với mặt đường khoảng 50cm. Trước tình trạng đó, UBND huyện đã báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng của thành phố. UBND thành phố cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở ngành của thành phố về khảo sát đánh giá và lên phương án để xử lý. Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp tại chỗ như: lập biển cảnh báo, quan sát an toàn giao thông; phủ bạt để nước mưa không ngấm vào vị trí đã và đang sạt lún", ông Nguyễn Quang Thắm - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết.

Do vẫn có hiện tượng sụt đất dọc mái đê nên đoạn sụt lún được tăng cường thêm đất đá để khắc phục tạm thời.

Đoạn này cũng được căng bạt để tránh nước mưa thấm vào vùng sụt lún, nứt toác.

Tương tự, đường qua đoạn trạm bơm xã Xúy Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bị sụt lún, đứt gãy khi nước sông Đáy dâng cao.

Lực lượng chức năng huy động hàng trăm bao tải cát xung quanh điểm đứt gãy để phòng vỡ đê.

Đoạn sụt lún, đứt gãy dài khoảng 27m, điểm sụt sâu nhất khoảng 1m, làm đứt gãy dầm, đường bê tông.

Hệ thống đê điều ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ sông Đáy, tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra tại xã Thái Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội) khiến nhiều hộ dân sống trong bất an, lo âu.

Cung sạt lở có chiều dài rộng 120m, sát nhiều hộ dân tạo vách thẳng đứng cao khoảng 20m.

Người dân cho biết, dòng chảy sông Hồng sau khi qua mỏm đất đá này có xu hướng xoáy vào bờ sông, qua thời gian làm xói mòn dần chân bờ.

Nước sông lên cao làm cho đất bão hòa nước, sức kháng cắt giảm đi rõ rệt.

Nhiều gia đình ở xã Thái Hòa sống trong tình trạng bất an do bờ hữu sông Hồng không ổn định, sạt lở.

Sạt lở tạo thành hàm ếch ăn sâu vào phía trong đê, đe dọa nguy hiểm đến các phương tiện lưu thông qua đây, đặc biệt là các xe có trọng tải nặng.

Theo Báo Tiên Phong

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: