Hàng vạn héc-ta cây trồng đứng trước nguy cơ ngập úng do mưa bão

Đăng ngày: 02-09-2019 | Lượt xem: 1263
Bão số 4 vừa qua đã khiến gần 10.500ha lúa và hoa màu thuộc các tỉnh Trung Bộ bị thiệt hại. Tuy nhiên, con số này có nguy cơ còn lớn hơn, khi nhận định của cơ quan khí tượng cho thấy, mưa lớn sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới.
Ghi nhận sáng nay 2/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to (phổ biến 40-90mm/24 giờ), riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to (90-180mm/24 giờ). 
Hàng ngàn héc-ta rau màu tại tỉnh Thanh Hoá đang bị ngập úng  
Đáng lo ngại, theo cảnh báo, từ ngày 2-6/9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300-500mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt). Cũng từ ngày 2-6/9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức báo động 2 – báo động 3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức báo động 3. 
Hiện, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch được khoảng 140.000/165.000ha; còn lại 25.000ha dự kiến đến 5/9 sẽ thu hoạch xong. Lúa Mùa còn khoảng 158.000ha đang ở giai đoạn chín sắp thu hoạch. Trong khi đó ở các tỉnh Nam Trung Bộ, diện tích lúa hè thuđã thu hoạch được khoảng 100.000/176.000ha; còn lại 76.000ha dự kiến đến 10/9 sẽ thu hoạch xong. Lúa Mùa đã gieo cấy được khoảng 57.000/136.000ha.
Với dự báo từ ngày 2-6/9 có thể xảy ra mưa lớn với lượng mưa 300-500mm/đợt, các tỉnh Trung Bộ có khả năng bị ngập úng ảnh hưởng đến khoảng 19.000ha lúa, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Thanh Hóa 8.000ha; Nghệ An 6.500ha; Hà Tĩnh 4.500ha. Cùng với đó là hàng ngàn héc-ta rau màu có nguy cơ bị ảnh hưởng.  
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, trước nguy cơ áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa trong nhiều ngày tới, T.Ư đã có văn bản chỉ đạo các địa phương Trung Bộ tập trung thu hoạch diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, khẩn trươngxử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
Theo kinhtedothi.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: