Khánh Hòa ra Công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Đăng ngày: 29-10-2019 | Lượt xem: 1031
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa vừa có công điện khẩn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng.

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

Thông báo cho thuyền trưởng, các chủ phương tiện tàu, thuyền đang đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) phía Bắc vĩ tuyến 10,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông Kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông và được điều chỉnh theo các bản tin dự báo.

Vị trí và hướng đi của bão

Vị trí và hướng đi của bão

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với chủ tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, bão để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Rà soát, chủ động tổ chức triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, lồng bè nuôi trồng thủy sản, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển; thường xuyên thống kê số du khách đang lưu trú tại các khu du lịch, các khu nghỉ dưỡng, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách (đặc biệt các khu du lịch biển đảo).

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, kịp thời thông tin đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đất để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm.

Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường khi có tình huống ngập nước, chia cắt do mưa lớn gây ra.

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du nhằm chủ động vận hành, tích nước hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Tổ chức rà soát, kiểm tra các công trình đang thi công có nguy cơ ảnh hưởng đến việc cản trở dòng chảy, tăng nguy cơ ngập lụt để có biện pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy, phá dỡ đê quây… hạn chế tình trạng ngập úng do việc thi công công trình gây ra; chỉ đạo các đơn vị thi công công trình lập rào chắn và cắm biển báo tại các vị trí hố móng công trình bị ngập nước khi có lũ, ngập lụt do mưa lớn gây ra. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo: Căn cứ tình hình diễn biến thời tiết, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên hoặc cho học sinh nghỉ học khi có tình huống mưa lũ, bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến sáng ngày 29-10, lực lượng bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.968 phương tiện với khoảng 209.082 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ.  Ước tính có khoảng 144.111 ô, lồng nuôi trồng thủy sản (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định có khả năng bị ảnh hưởng của đợt thiên tai này.

Về hồ chứa thủy điện, các hồ khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang vận hành bình thường, không có hồ chứa xả tràn, trong đó mực nước các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đang ở mức rất thấp.  Hồ chứa thủy lợi, mực nước các hồ chứa khu vực Trung Bộ còn ở mức thấp, nhiều hồ chứa đã xuống cấp hoặc đang sửa chữa. Cụ thể, các hồ chứa Bắc Trung Bộ ở mức 57-85% dung tích thiết kế; 53 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Các hồ chứa Nam Trung Bộ ở mức 40-70% dung tích thiết kế. Ở Tây Nguyên, các hồ chứa ở mức 72-89% dung tích thiết kế.

Được biết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Áp thấp nhiệt đới lúc 7 giờ sáng ngày 29-10 cách đất liền Việt Nam 600-700 km và có khả năng còn mạnh thêm thành bão. Điểm đặc biệt của ATNĐ hình thành ngay trên dải hội tụ nhiệt đới, cùng với đó không khí lạnh đang xuống nên ATNĐ có khả mạnh lên khi vào gần bờ. Nguy cơ mưa lớn sau khi cơn bão này đổ bộ vào đất liền. Dự báo, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ chiều và tối ngày 30-10. Mưa bắt đầu từ sáng ngày 30-10 từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, trong đó tập trung từ Thừa Thiên- Huế đến Ninh Thuận. Sau khi bão vào vùng mưa sẽ tiếp tục mở rộng từ Thừa Thiên- Huế ra Thanh Hóa.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: