Khí hậu và nguồn nước tỉnh Thanh Hóa

Đăng ngày: 24-03-2020 | Lượt xem: 2801
Khí hậu Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm. Song do yếu tố địa lý, địa hình nên khí hậu Khánh Hòa có những đặc điểm khá phức tạp. Chế độ khí hậu Khánh Hòa gồm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

Hàng năm, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 với kiểu trạng thái mưa nhiều, nắng ít và thường xuyên ảnh hưởng của Bão, Áp thấp nhiệt đới hay lũ lụt .vv..; ngược lại đối với mùa khô thông thường là nắng nhiều và ít mưa song đặc biệt xuất hiện nhiều đợt nắng nóng. Mùa khô ở tỉnh Khánh Hòa kéo dài trong 8 tháng, thường bắt đầu từ tháng 01 đến tháng 8.

Tuy nhiên trong một số năm gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, khí hậu Khánh Hòa đã có sự thay đổi khác biệt, bất thường với những mức độ khác nhau so với quy luật khí hậu trung bình nhiều năm (TBNN).

Theo số liệu thống kê trong 05 năm gần đây, hầu như vào mùa khô các nơi trên địa bàn tỉnh nắng nhiều, mưa ít với lượng mưa thiếu hụt từ 20 - 50% so với TBNN, đặc biệt năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng ElNino mạnh nên nhiều nơi thiếu hụt mưa trên 50%. Thời gian bắt đầu mùa mưa trong các năm qua phần lớn (tức có 3/5 năm) là bắt đầu trễ hơn khoảng 01 tháng so với quy luật khí hậu TBNN, thậm chí là còn kết thúc sớm hơn điển hình như năm 2019... Mùa mưa với lượng mưa chiếm trên 70% tổng lượng mưa năm, song chính trong các năm này lượng mưa lại thiếu hụt từ 20 - 30% gây ra tình trạng thiếu nước kéo dài sang cả mùa khô của năm kế tiếp như các năm lẻ 2015, 2017 và 2019. Mùa mưa thiếu nước là do số đợt mưa lớn ít với khoảng 2 - 4 đợt/năm. Lượng mưa này chỉ tập trung chính trong các đợt mưa. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa các năm qua cũng thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của bão, Áp thấp nhiệt đới. Đó là năm 2016 (02 cơn), 2017 (03 cơn) và năm 2019 (02 cơn). Đặc biệt vào năm 2017 cơn bão số 12 tên quốc tế Damrey là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào tỉnh.  

Song song với sự thiếu hụt lớn của lượng mưa trong các năm qua đã kéo theo nguồn nước cũng bị thiếu hụt mạnh mẽ. Theo chuỗi số liệu thông kê của Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa cho thấy dung tích trữ lượng nước tại nhiều hồ chứa lớn (Đá Bàn, Suối Dầu, Suối Trầu…) mấy năm gần đây chỉ đạt từ 58 - 93%, có năm các hồ còn xuống thấp hơn như năm 2015, dung tích chỉ đạt từ 03 - 30% so với dung tích thiết kế. 

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tình trạng thiếu nước hạn hán xảy ra nghiêm trọng đã gây ra thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Điển hình như năm 2014 - 2015, 25.000ha đất sản xuất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng, trong đó có 13.000ha phải bỏ vụ, 12.000ha cây trồng còn lại bị thiệt hại cả về năng suất, chất lượng. Nắng hạn cũng khiến cho 28.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Sang nửa đầu năm 2016, tình hình khô hạn diễn ra gay gắt hơn; gần 27.000ha cây trồng bị thiếu nước, hàng chục nghìn héc-ta phải bỏ vụ, gần 100.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất (nguồn báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Có thể nói, tình hình thiếu nước, khô hạn thường xuyên diễn ra trong một số năm qua đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất của người dân trong tỉnh.

Hiện nay, mới chỉ bước vào đầu mùa khô, chưa phải là cao điểm nhưng theo ngành thủy lợi tỉnh thì các hệ thống hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện (có 31 hồ chứa: 28 hồ thủy lợi và 03 hồ thủy điện) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xuống mức thấp, chỉ đạt trung bình 58% so với tổng dung tích thiết kế. Trong đó, nhiều hồ chứa có dung tích lớn như hồ Đá Bàn, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành… chỉ đạt tỷ lệ dưới 50% so với dung tích toàn bộ. Nguyên do là mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm hơn so với TBNN cùng kỳ; tổng lượng mưa các nơi thiếu hụt từ 20 - 30%. Bên cạnh đó, tình hình mấy tháng đầu năm nay hầu như không có mưa. Do vậy, trong thời gian tới tình hình ít mưa, lượng dòng chảy ở các sông xuống mức thấp hơn TBNN cùng kỳ và lại kết hợp nắng nóng và bốc hơi nước lớn thì các nơi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước vụ hè thu.

Được biết, dự kiến vụ Hè Thu sẽ khoanh vùng không sản xuất khoảng 10.000 ha. Các hồ không cấp nước sản xuất mà để ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt như: Hồ Suối Luồng, Hồ Suối Lớn, Hồ Suối Dầu, Hồ Cam Ranh, Hồ Cây Sung, Hồ Láng Nhớt, Hồ Suối Trầu (nguồn Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa).

Người dân ở huyện Cam Lâm đào ao tích trữ nước. Ảnh: Vũ Dũng

Ảnh minh họa

Chính vì vậy, trước tình hình thời tiết, khí hậu và nguồn nước như hiện nay, các sở ban ngành và người dân cần có chính sách dài hơi trong việc bảo đảm nguồn nước. Đồng thời cần có các biện pháp, mô hình như tận dụng nước ngầm, tích trữ nước ngọt… và đặc biệt là sử dụng nguồn nước hiệu quả và hợp lý.

Vũ Văn Dũng _ Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ

Biên tập tin: Mỹ Linh

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: