Kỳ 1: Đi qua vùng nắng hạn ở Tây Nguyên

Đăng ngày: 05-04-2021 | Lượt xem: 2399
Những năm gần đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, đặc biệt trong mùa khô. Tại một số địa phương của Đắk Lắk, Kon Tum cho thấy hạn hán xảy ra với tần suất càng dày, gay gắt hơn.

Cây cà phê của người dân xã Tam Giang, huyên Krông Năng đang trổ bông nhưng lá ngả vàng do thiếu nước tưới. Ảnh: VGP/Thế Phong

Những rẫy cà phê phó mặc cho trời

Đến huyện Krông Năng, địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn của tỉnh Đắk Lắk vào cuối tháng 3, khi những cây cà phê đang trổ bông, cũng là đợt cao điểm chống hạn ở khu vực Tây Nguyên. Trong những rẫy cà phê, hồ tiêu là bóng dáng của những người nông dân đang nỗ lực kéo máy bơm, rải đường ống phun nước chống hạn cho cây công nghiệp.

Bà Phạm Thị Vân (thôn Giang Hưng, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) có 3 ha đất, trồng cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, nhưng hầu như mùa vụ nào cũng bị khô hạn làm năng suất giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng.

Theo bà Vân, một ha cà phê thường thu 4 tấn nhân, nhưng do ảnh hưởng hạn chỉ còn khoảng 2 tấn, giảm 50% năng suất, riêng mùa vụ năm 2020 có nhiều rẫy cà phê đã mất trắng. Mặc dù gia đình đã đầu tư 1 giếng khoan sâu 150m nhưng nắng nóng kéo dài như mùa khô năm 2020 thì ao hồ trơ đáy, nguồn nước ngầm cũng sụt giảm, giếng cạn, không có nước để tưới.

“Thời điểm này cây cà phê đang trổ bông nên việc tưới tiêu bảo đảm sẽ tăng tỉ lệ đậu trái, quyết định rất lớn năng suất của cả mùa vụ. Vì vậy, từ đầu tháng 3 đến nay, chúng tôi dồn sức tưới nước cho các vườn cà phê mong một mùa vụ năng suất cao. Tuy nhiên nguồn nước bề mặt và nước ngầm hiện nay chỉ đủ tưới cầm chừng cho một vài đợt đầu, còn một số điện tích ở xa nguồn nước thì phó thác cho trời”, bà Vân cho hay.

Người dân hút nước ngầm từ giếng khoan để chống hạn cho cây cà phê. Ảnh: VGP/Thế Phong

 

Nhìn những cây cà phê đã ngả vàng do thiếu nước, ông Trương Xuân Hải, trưởng thôn Dân Mỹ, xã Tam Giang cho biết toàn thôn có 80 ha cà phê trồng tại đồi Bằng Lăng nhưng năm nào cũng bị khô, cháy lá do thiếu nước. Ngoài nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, việc người dân ào ạt mở rộng diện tích trồng cà phê khiến nguồn nước tưới không thể đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Hải, nguồn nước ngầm từ các giếng khoan ở độ sâu 150 m đủ tưới cầm cự qua hết tháng 3 đến đầu tháng 4 là cạn, việc tưới tiêu cho cây phê phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước mưa. Nếu trong vòng 2 tháng tới không có mưa thì cả cánh đồng cà phê đồi Bằng Lăng sẽ chuyển sang màu đỏ rực, cây trụi lá, khô cành.

Trưởng thôn Dân Mỹ cho biết người dân đã chuyển đổi sang một số cây trồng khác nhưng chưa tìm giống cây phù hợp với vùng đất này. Khu vực này đất tốt, người dân bám đất, bám cây cà phê, nỗ lực chống hạn để lấy công làm lãi. Nếu thời tiết thuận thì có chút lãi, còn năm nào hạn nặng có nhiều hộ mất trắng.

Ông Trần Gia Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết vụ Đông Xuân năm 2021, toàn xã có 2.300 ha cây trồng lâu năm, trong đó cây cà phê khoảng 1.400 ha, còn lại là hồ tiêu, cao su, sầu riêng và các loại cây ăn quả khác. Từ đầu năm đến nay lượng mưa tiếp tục giảm làm quá trình trổ bông không đúng niên vụ,  cây cà phê già cỗi nhanh.

Để chống hạn, UBND xã triển khai nạo vét ao hồ, giếng nước, chủ động tích trữ nước và sử dụng nguồn nước tiết kiệm để phòng chống nắng nóng kéo dài. Ngoài biện pháp hồ đập, địa phương thường xuyên vận động bà con chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, xa nguồn nước sang một số loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, cam, quýt… Đồng thời thực hiện tưới tiêu nhỏ giọt để tiết kiệm nnước. Việc đầu tư hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt khá tốn kém kinh phí, nhưng đây là giải pháp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Những rẫy cà phê bị hạn thường giảm trên 50% năng suất, có diện tích mất trắng. VGP/Thế Phong

 

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

Đưa chúng tôi đến khảo sát hệ thống kênh, hồ đập thủy lợi phục vụ cho vụ Đông Xuân  2020-2021, ông Võ Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng cho biết những năm qua, trên địa bàn huyện đã triển khai phương án chống hạn bằng các biện pháp như khuyến cáo nhân dân, tưới tiêu tiết kiệm, tiên tiến; tuyên truyền, vận động nhân dân bố trí giống cây trồng hợp lý (chuyển đổi giống cây trồng đối với từng khu vực); thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, vận động nhân dân gieo trồng đúng thời vụ, đúng cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

 Tuy nhiên, tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt, trên diện rộng khiến các công trình hồ, đập, sông suối, giếng bị cạn kiệt nguồn nước, gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Đơn cử vụ Đông Xuân 2018-2019 toàn huyện 1.776,2 ha cà phê, 286,98 ha hồ tiêu bị thiệt hại. Vụ Đông Xuân 2019-2020 toàn huyện có 3.140,3 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó cà phê 2.515, 27 ha, cây ngô và hoa màu khác 55,79 ha, cây hồ tiêu 71,4 ha.

“Các biện pháp, nỗ lực chống hạn cũng chỉ cầm cự đến đến cuối tháng 3 đầu tư 4 là hết nước. Riêng vụ Đồng Xuân năm nay, tuy có một vài đợt mưa đến sớm nhưng lượng mưa thấp chưa đủ nước tưới tiêu cho mùa khô năm nay. Tính đến ngày 24/3/2021, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn (đập, hồ chứa) còn khoảng 50% dung tích hồ chứa. Trong 2 tháng tới lượng mưa tiếp tục thấp, thì Krông Năng tiếp tục đối mặt với nắng nóng, thiếu nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng”, ông Võ Thanh Xuân lo lắng.

Những nơi ngoài tầm với hệ thống thủy lợi, người dân bỏ hàng trăm triệu đồng để khoan giếng sâu tới 150m với hy vọng có nước ngầm tưới cho cây. Ảnh: VGP/Thế Phong

 

Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 627.031 ha, đất lâm nghiệp 519.721 ha. Toàn tỉnh có khoảng 668.000 ha cây trồng các loại, trong đó cây hàng năm khoảng 327.000 ha, cây lâu năm 341.000 ha. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, đặc biệt trong mùa khô hàng năm.

Nắng hạn gây thiệt hại lớn với cây lúa, cà phê, hồ tiêu… Từ năm 2015 đến năm 2020, có khoảng 260.000 ha cây trồng các loại bị hạn, với gần 30.000 ha bị mất trắng, thiệt hại ước tính 6.500 tỷ đồng. Những năm xảy ra hán hán nghiêm trọng như: Năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó khoảng 16.000 ha bị mất trắng, thiệt hại ước tính 2.200 tỷ đồng; năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 109.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó khoảng 8.700 ha mất trắng, thiệt hại ước tính 3.000 tỷ đồng.

Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu thì diện tích cây trồng phát triển nhanh, hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ sản xuất, diện tích rừng bị thu hẹp là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: