Lâm Đồng: Mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương chìm trong biển nước

Đăng ngày: 10-08-2019 | Lượt xem: 1067
Thống kê sơ bộ đến sáng 8/8, tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và TP Bảo Lộc mưa lớn đã làm ngập hàng trăm nhà dân; trong đó, có hàng chục hộ bị nước nhấn chìm hơn 1 m buộc phải di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó là hàng trăm diện tích cây trồng bị nước nhấn chìm có nguy cơ hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng.
images2223169 t6r
Cầu dân sinh trên địa bàn huyện Đạ Tẻh bị chia cắt do lũ

 

Do ảnh hưởng của hòa lưu bão số 3, từ chiều 6-8/8, mưa lớn đã liên tục xảy ra gây ngập úng, lũ quét nghiêm trọng tại các địa phương nói trên. Thông tin từ các Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng thì lượng mưa đo được tại các địa phương như Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm dao động từ 80 - 150 mm.

 

Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, nước lũ trên sông Đồng Nai đang dâng cao tại huyện Đạ Tẻh và tràn vào các vùng sản xuất gây ngập úng trên diện rộng. Theo thống kê sơ bộ, mưa lớn đã làm hơn 100 căn nhà của người dân huyện Đạ Tẻh ngập sâu trong nước từ 0,5 m đến hơn 1 m. Trong đó, riêng thị trấn Đạ Tẻh có hơn 30 hộ bị nước ngập sâu nhà cửa buộc phải sơ tán đến nơi an toàn. Hiện tại, với hơn 120 nhân khẩu của 30 hộ dân tại thị trấn Đạ Tẻh và 3 hộ tại xã Triệu Hải bị ngập nhà buộc phải di dời đã được chính quyền và cơ quan chức năng bố trí chỗ ở, lương thực, thực phẩm để tạm thời ổn định cuộc sống. 

 

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Bên cạnh những hộ đã được di dời, địa phương đang huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên trực chiến triển khai phương châm “4 tại chỗ” để giúp người dân phòng, chống mưa lũ; đồng thời, phối hợp với hàng trăm người tại các địa phương giúp bà con khắc phục các hậu quả do mưa lũ gây ra. Cùng với đó, huyện cũng đã bố trí nguồn lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân trong các tình huống cấp bách nhằm đảm bảo cuộc sống”.

images2223170 t6r 2
Lực lượng cứu hộ huyện Đạ Tẻh tiếp cận ứng cứu các hộ dân bị cô lập

 

Cùng với nhà cửa, thì mưa lớn đã nhấn chìm hơn 700 ha cây trồng của người dân tại địa phương như Đạ Kho, Mỹ Đức, Triệu Hải, Quốc Oai, Đạ Pal, An Nhơn, Hà Đông, Quảng Trị và thị trấn Đạ Tẻh. Trong đó, có khoảng 200 ha lúa vụ Đông - Xuân vừa mới gieo sạ gần như bị hư hỏng, thiệt hại hoàn toàn; khoảng 400 ha dâu tằm bị ngâm lâu trong nước có nguy cơ hư hỏng. Ông Lê Hồng Khanh - Trưởng Thôn 11 (xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh), cho biết: “Đến sáng 8/8, toàn bộ hơn 40 ha dâu tằm và khoảng 15 ha bưởi da xanh của người dân trong thôn đã bị nước sông Đồng Nai dâng cao nhấn chìm hoàn toàn. Trong đó, nhiều diện tích cây trồng đã bị nước sông cuốn trôi gây thiệt hại rất nặng nề cho người dân địa phương”.

 

Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Tiện thì Đạ Tẻh là vùng trồng dâu nuôi tằm, với hơn 1.000 ha dâu nên việc hàng trăm ha dâu bị nước nhấn chìm đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho bà con. Hiện tại, địa phương vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại, nhưng với diện tích dâu bị ngập quá lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi tằm của bà con. Do thiếu nguồn lá dâu, chắc chắn số lượng tằm của người dân đợt này bị hư hỏng là rất lớn.

 

Ngoài ra, nhiều đường sá, cầu cống tại các địa phương trên địa bàn huyện Đạ Tẻh cũng bị ngập sâu, sạt lở khiến giao thông qua lại rất khó khăn. Trong đó, có nhiều tuyến đường như đèo Con Ó (xã Mỹ Đức); các tuyến đường giao thông Thôn 4 (xã Mỹ Đức), Thôn 11 (xã Đạ Kho và Thôn 5 (xã Triệu Hải)… bị nước ngập sâu gây sạt lở không thể đi lại.

 

Tại huyện Cát Tiên, thống kê sơ bộ mưa lũ đang làm ngập gần 100 căn nhà của người dân địa phương. Trong đó, xã Tiên Hoàng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 80 hộ dân có nhà bị nước ngập sâu từ 0,5 - 1 m; Trường THCS Tiên Hoàng cũng bị ngập sâu toàn bộ, với mực nước ngập từ 0,5 - 0,7 m; mưa lớn còn khiến hơn 140 ha lúa vừa gieo sạ bị nước nhấn chìm. “Để đề phòng các sự cố phát sinh, địa phương đang huy động lực lượng giúp bà con vận chuyển tài sản lên nơi an toàn; đồng thời, sẵn sàng sơ tán người dân để đảm bảo an toàn” - ông Trần Thế Hùng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên thông tin.

 

Không chỉ làm ngập nhà cửa, đường giao thông và các công trình nông thôn khác, mưa lớn còn khiến hàng trăm ha lúa trên địa bàn huyện Cát Tiên như Tiên Hoàng, Nam Ninh, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, thị trấn Cát Tiên… vừa gieo sạ cũng bị ngập nặng, có nguy cơ hư hỏng hoàn toàn. 
 

images2223188 anh 5 02
Cây trồng của người dân xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) chìm trong nước lũ

 

Còn tại huyện Đạ Huoai, mưa lớn đã làm nhà cửa của nhiều hộ dân tại xã Mađaguôi bị nước tràn vào nhà khiến nhiều tài sản, vật dụng của người dân bị nước nhấn chìm, hư hỏng; mưa lớn đã làm ngập hàng chục ha cây trồng các loại như dâu tằm, cà phê, sầu riêng ven sông Đạ Quay của người dân tại xã Đạ Oai. Trong đó, có nhiều diện tích cây trồng đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn.

 

Tại TP Bảo Lộc, hiện tại mưa lớn đang khiến nhiều địa phương như Đại Lào, Lộc Châu buộc chính quyền và các cơ quan chức năng phải huy động lực lượng sơ tán, di dời nhiều hộ dân hai bên khu vực suối Đại Lào đến nơi an toàn; đồng thời, các địa phương này đang cắt cử lực lượng dân quân, công an và thanh niên thay nhau túc trực tại các điểm xung yếu để kịp thời có biện pháp đối phó với mưa lũ.

 

Trong khi đó tại huyện Bảo Lâm, mưa lớn đã gây ngập úng nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn 2 xã Lộc Thành và Lộc Nam. Tại xã Lộc Thành, hàng chục ha cây trồng của người dân ven sông Đại Bình đã bị nước làm ngập. Còn tại xã Lộc Nam, nước dâng cao đã làm ngập cống Ngầm (trên Quốc lộ 55) khiến giao thông bị ách tắc cục bộ.

 

Để đối phó với tình hình mưa lũ đã và đang diễn biến phức tạp, các địa phương đang huy động lực lượng tập trung giúp đỡ người dân khắc phục các hậu quả; sẵn sàng phương tiện, lực lượng để kịp thời di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, nhiều địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lượng thực, thực phẩm cần thiết để hỗ trợ người dân phòng, chống mưa lũ, ổn định cuộc sống.

Theo Báo Lâm Đồng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: