Miền cao ngập lụt kinh hoàng

Đăng ngày: 09-08-2019 | Lượt xem: 1525
Ngập lụt, sạt lở đất, lũ cuốn... trên diện rộng tại các tỉnh Tây Nguyên làm 8 người thiệt mạng, hàng ngàn căn nhà, ôtô, hoa màu bị nhấn chìm trong nước

Tính đến chiều tối 8-8, theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa và lũ kèm sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm chết 8 người (tỉnh Đắk Nông: 3 người, Kon Tum: 2 người, Gia Lai: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Lâm Đồng: 1 người). Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên Tây Nguyên và Nam Bộ ngày 9-8 tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai mưa rất to, có nơi trên 150 mm/24 giờ.

Leo lên nóc nhà tránh lũ

Từ rạng sáng 8-8, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào xã Lát, huyện Lạc Dương giải cứu 40 người dân thôn Đạ Nghịt bị nước lũ cô lập. Nước lũ đổ về ngày càng lớn và dâng cao, lực lượng cảnh sát phải bắc dây cáp giăng qua dòng nước dữ, cố định ở hai đầu, thắt dây an toàn để từng người đu qua dòng nước, sang bờ an toàn.

Miền cao ngập lụt kinh hoàng - Ảnh 1.

Ngập lụt ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: ĐÌNH THI

Trong 40 người được giải cứu có nhiều trẻ em, có bé mới hơn 1 tuổi. Ông Trần Đình Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Lát, cho biết lũ quét từ đêm 7-8 khiến 100 ha cây trồng của người dân bị ngập úng, cuốn trôi, một hồ nuôi cá tầm bị vỡ; thiệt hại ước tính 20 tỉ đồng.

Du khách và người dân TP Đà Lạt bất ngờ chứng kiến cảnh ngập lụt trên diện rộng. Nước suối Cam Ly (đoạn qua phường 5, TP Đà Lạt) dâng cao, tràn vào các khu dân cư. Nhiều nhà dân, khách sạn, ôtô bị ngập sâu trong nước.

Nước lũ tại các xã, phường Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Tiến, B’Lao của TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng dâng cao nhấn chìm hàng trăm nhà dân. Công an viên Hoàng Minh Tú xuống cạnh tường rào của một hộ dân để thông cống, không may trượt chân rơi xuống hố cống sâu và bị nước cuốn. Mặc dù được lực lượng chức năng và người dân nỗ lực tìm kiếm nhưng khi được tìm thấy, ông Tú đã tử vong. Nhiều hộ dân bị nước lũ nhấn chìm nhà cửa, phải leo lên nóc nhà tránh lũ.

Sạt lở đất vùi lấp một gia đình

Ông Lê Văn Thị - Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông - cho biết rạng sáng 8-8, một phần của ngọn đồi sát hồ thủy điện Đắk Sin 1 (thôn 14, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp) sạt lở, hàng ngàn mét khối đất đá ập xuống vùi lấp ngôi nhà của gia đình anh Trần Văn Hiệu (SN 1991).

Lực lượng chức năng đã chia ra nhiều nhóm tìm kiếm các nạn nhân. Chiều cùng ngày, với sự hỗ trợ của máy móc, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của anh Hiệu, chị Đỗ Thị Yến (SN 1994, vợ anh Hiệu) và con gái Trần Thị Diệu (SN 2016). Chị Yến được tìm thấy trong tư thế ôm con gái trong lòng.

Miền cao ngập lụt kinh hoàng - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ dùng máy móc tìm kiếm gia đình 3 người bị vùi lấp ở Đắk Nông

Bà Hoàng Quyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin, cho hay anh Hiệu quê ở Hưng Yên, vào đây sinh sống khoảng 6 năm nay. Sau khi bị thu hồi nhà và một phần đất để làm thủy điện, gia đình anh Hiệu đã mượn nhà của một người dân sinh sống. Chính quyền địa phương và người dân đã ủng hộ, góp tiền để đưa các nạn nhân về quê an táng. "Trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất. Lực lượng chức năng vẫn đang di dời các hộ dân ở các vùng ngập, nguy cơ sạt lở đất đến khu vực an toàn" - bà Quyên cho biết.

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, mực nước ở các sông suối, hồ đập trên địa bàn tỉnh lên nhanh, gây ngập nhà cửa, cây trồng và sạt lở đất.

Tại Đắk Lắk, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục cứu hộ ở một số địa bàn ngập lớn như huyện Ea Súp, huyện Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản, mưa lớn đã khiến ông Hoàng Trung Tùng (SN 1959; ngụ thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bị nước cuốn tử vong.

Đến chiều 8-8, trên địa bàn huyện Ea Súp vẫn còn khoảng 30.000 hộ dân bị cô lập, hơn 6.000 ha cây trồng, hơn 600 nhà bị ngập. Ước tính thiệt hơn 700 tỉ đồng.

Trả giá là điều tất yếu

PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh đã gắn bó với TP Đà Lạt hơn 40 năm nay. Ông cho rằng thiếu sót lớn nhất của Đà Lạt là can thiệp quá nhiều vào thiên nhiên, làm phá vỡ công bằng sinh thái nên phải chịu hệ quả là điều tất yếu. Quy hoạch TP Đà Lạt không hợp lý. Trước kia khoảng 100 năm, người Pháp đã tính đến chuyện quy hoạch nhưng sau 125 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã thay đổi quá nhiều. Quy hoạch ồ ạt, không cân đối, không tương xứng với thực tế cộng với biến đổi khí hậu nên xảy tình trạng ngập úng, lũ ống lũ quét, sạt lở, sập tà luy nhà cửa và chết người.

Miền cao ngập lụt kinh hoàng - Ảnh 3.

Chính quyền địa phương và người dân góp tiền đưa thi thể anh Trần Văn Hiệu và vợ con về quê Ảnh: CAO NGUYÊN

Ngoài ra, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải có vấn đề. Đường ống thoát nước không bảo đảm dẫn đến nước ngập, thoát không kịp. "Không nên làm thêm nhà cửa, công trình xây dựng ngột ngạt tại trung tâm TP Đà Lạt, phải cải thiện hệ thống nước và xử lý rác thải đồng bộ. Các công trình trên cao, hệ thống thoát nước bề mặt phải bảo đảm, bê-tông hóa quá đà dẫn đến nước không thấm được xuống đất..." - PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh trăn trở.

Ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, cho rằng ngoài nguyên nhân mưa lớn thì việc rừng bị tàn phá, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến thiệt hại lớn như vậy tại Đắk Lắk. Ông Chiền dẫn chứng suối Ea Tam có vai trò rất lớn trong việc thoát lũ cho TP Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, lòng suối đã bị người dân xâm chiếm để xây dựng nhà cửa, đào ao hồ. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây san sát ven các con suối nên khi mưa lớn, nước không kịp thoát ra suối gây ngập nhiều nơi.

Theo PGS-TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), trước đây Tây Nguyên chưa thấy hiện tượng lũ ống, lũ quét nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân chủ yếu do phát triển kinh tế - xã hội và phân bố dân cư làm phá hủy hệ thống giữ gìn tự nhiên. Dân cư tập trung rất nhiều vào các khu vực ven sông, ven suối để ở, kéo theo đó là xây cơ sở hạ tầng, đường sá đã gây nên việc sạt lở nghiêm trọng. Một nguyên nhân nữa là rừng bị tàn phá nặng nề và phát triển thủy điện. "Rừng tiếp tục bị tàn phá một cách tàn khốc, hệ thống đường giao thông dẫn vào các thủy điện sâu trong rừng đã làm cho nước mưa tập trung rất nhanh nên lũ ống, lũ quét xảy ra là điều tất yếu" - ông Tứ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tứ, để khắc phục tình trạng này, phải quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí dân cư hợp lý, giảm thiểu tác động tới tự nhiên. Những vùng sạt lở, có nguy cơ sạt lở phải điều tra, đánh giá toàn diện. Cùng với đó cần hiện đại hóa các hệ thống dự báo, cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại. 

Rừng suy giảm nhanh nhất nước

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha. Từ năm 2010-2015, Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng nhanh nhất cả nước. Tổng diện tích rừng giảm trong thời gian này là hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng.

Cảnh báo vỡ đập hồ thủy điện Đắk Kar

Chiều 8-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn về việc ứng phó sự cố hồ thủy điện Đắk Kar (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).

Hồ thủy điện có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van. Do mưa lũ, hiện tại nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập đe dọa nghiêm trọng đến dân cư hạ du các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh tổ chức di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng, bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột.

Theo nld.com.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: