Miền Trung: Khô hạn giữa mùa mưa

Đăng ngày: 21-11-2018 | Lượt xem: 1016
(TN&MT) - Dù đã vào mùa mưa nhưng các tỉnh miền Trung lại bị gặp khô hạn gay gắt. Khô hạn đang khiến nhiều hồ chứa thủy điện trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,...
Mực nước các sông và các hồ thủy điện đã khô kiệt nhất trong 40 năm qua

Mực nước các sông và các hồ thủy điện đã khô kiệt nhất trong 40 năm qua

Khô hạn bất thường

Tại tỉnh Quảng Nam, suốt 3 tháng gần đây chỉ có vài cơn mưa rải rác khiến nhiều nhà máy thủy điện lâm vào cảnh rất khó khăn để tích trữ nước phát điện. Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương cho biết, mặc dù đã vào mùa mưa nhưng lượng mưa trên lưu vực sông A Vương bị thiếu hụt nghiêm trọng, lưu lượng nước về hồ trung bình tháng 9 là 18,2m³/giây (tần suất 85 năm mới có 1 lần) và tháng 10 là 15m³/giây (tần suất 99 năm mới có 1 lần). Đây là 2 tháng có lưu lượng nước về hồ cực đoan so với chuỗi thủy văn quan trắc được kể từ năm 1977.

“Vào cuối tháng 10, mực nước hồ chứa thủy điện A Vương là 339,1m, thấp hơn mực nước chết - mực nước cho phép vận hành nhà máy - gần 1m. So với các năm thì đây là thời kỳ kiệt nhất trong những năm qua. Vì vậy, có thời điểm, nhà máy thủy điện A Vương phải chạy máy dưới mực nước chết” - ông Thế cho biết.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, hồ chứa nước Mạch Điểu, ở xã Đức Phú (huyện Mộ Đức) có dung tích thiết kế 2.274 triệu m3, nay mới chỉ tích được hơn 13% dung tích. Công trình đã cạn sâu, trơ đáy, người dân tận dụng lòng hồ làm nơi chăn thả trâu bò. Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, trong số 19 hồ chứa lớn nhưng có đến 13 công trình chưa tích được 50% dung tích thiết kế, còn lại đa số chỉ tích được 20% dung tích, nguy cơ không bảo đảm nước tưới phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân sắp tới.

Chưa bao giờ người dân Đà Nẵng lại phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt ngay giữa thời điểm mưa lũ như năm nay. Một trong những nguyên nhân là do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn vượt gấp gần 20 lần nên nhà máy nước Cầu Đỏ phải giảm công suất. Trong khi đó, đập An Trạch (Hòa Vang), nước từ thượng nguồn Vu Gia đổ về rất thấp nên các phương án dự phòng sản xuất nước sinh hoạt bị phá sản. Hai hồ chứa nước thủy lợi lớn là Hòa Trung và Đồng Nghệ cũng trơ đáy.

Các tỉnh miền Trung chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đối phó với mùa khô hạn 2018-2019

Các tỉnh miền Trung chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đối phó với mùa khô hạn 2018 - 2019

Tại buổi làm việc mới đây về tình hình thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) nhận định, mùa lũ năm nay rất đặc biệt. Tất cả lưu lượng, dung tích cả hồ thủy lợi thấp hơn 70 - 80%. Nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng).

Bộ TN&MT cho biết, đang trong thời kỳ mưa lũ nhưng trên lưu vực các sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và sông Ba từ đầu mùa đến nay không có mưa, lũ. Điều này dẫn đến hầu hết các hồ chứa nước lớn, quan trọng đều có mực nước rất thấp, thậm chí có hồ ở mực nước chết. Tình trạng các hồ thủy điện không tích được nước để điều tiết cho hạ du ngay giữa mùa mưa lũ khá phổ biến.

Chủ động thích ứng

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, đến nay, lượng nước tích được của các hồ đạt tỷ lệ rất nhỏ (chỉ đạt từ 20% đến 45%), nếu so với yêu cầu lượng nước tối thiểu vào đầu mùa cạn cũng mới chỉ đạt 35% đến 50%. Cùng với đó, theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn các tháng cuối năm thì lượng mua trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 50%. Bên cạnh đó, theo các mô hình dự báo, có tới 60-70% hiện tượng El Nino quay lại vào đầu năm 2019. Bão cũng đã đến giai đoạn cuối mùa, may ra còn 1-2 cơn nữa trên Biển Đông, trong đó có thể có một cơn ảnh hưởng đến Trung Bộ, nhưng khả năng này vẫn là 50-50. Vì vậy, gần như các tỉnh Trung Bộ đối mặt với mùa khô hạn 2018-2019 khá gay gắt.

Chủ động xây dựng phương án khai thác nước, sử dụng nước tiết kiệm

Chủ động xây dựng phương án khai thác nước, sử dụng nước tiết kiệm

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ, đảm bảo việc vận hành các hồ chứa theo đúng quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ. Trường hợp không xảy ra mưa, lũ thì ưu tiên việc tích nước các hồ chứa để đảm bảo đủ nước cấp an toàn cho mùa cạn năm 2019. Đồng thời xây dựng phương án khai thác nước, sử dụng nước tiết kiệm và có phương án khai thác, sử dụng các nguồn nước thay thế. Các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, ngoài tuân thủ các quy định vận hành liên hồ chứa còn chủ động chống hạn giữa mùa mưa, tích và sử dụng nước hợp lý; các nhà máy thủy lợi lên phương án, xây dựng kịch bản chống hạn cho mùa khô năm 2019.

“Sở NN&PTNT chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng chịu hạn cao, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với diễn biến thời tiết phức tạp, thích ứng với hiện tượng El-Nino và biến đổi khí hậu.”- ông Huỳnh Tấn Đức cho biết.

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, đồng thời việc sản xuất vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.

Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam trước mắt, trong năm 2018, cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế để giảm lượng nước về sông Quảng Huế, tăng lượng nước về sông Vu Gia cấp nước cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Về lâu về dài, TP. Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn của thành phố Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chính trị đã xây dựng, để xây dựng giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia, khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: