Miền Trung ngổn ngang trong mưa lũ

Đăng ngày: 26-10-2021 | Lượt xem: 4272
Mưa lớn diễn ra nhiều ngày qua đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh, TP khu vực miền Trung. Nguy cơ thiệt hại thậm chí còn có thể lớn hơn do biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới đang tiến nhanh vào đất liền.

Hàng nghìn nhà dân bị ngập
Những ngày qua, tại các tỉnh khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 80mm. Số liệu quan trắc lượng mưa từ 19 gờ tối 24/10 đến 7 giờ sáng 25/10 cho thấy, một số trạm có lượng mưa lớn như: Vạn Thạch (Khánh Hòa) 154mm, Hồ Đá Đen (Khánh Hòa) 117mm, Ea Trang (Đắk Lắk) 91mm…

Người dân ở huyện miền núi Nam Trà My khắc phục các điểm sạt lở. Ảnh: Công Huy

Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam ngày 25/10, mưa lũ đã khiến 5.373 nhà bị ngập sâu. Chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 779 hộ với 2.535 nhân khẩu. Trong đó, vùng rốn lũ huyện Phú Ninh sơ tán xen ghép 533 hộ với 1.803 khẩu. Ngoài ra, mưa lớn làm 3 nhà ở huyện Bắc Trà My bị sạt lở đất vào khu vực nhà bếp; huyện Núi Thành có 2 nhà bị sạt lở đất vào nhà và huyện Phú Ninh lở đất làm sập nhà của 2 hộ gia đình.
Mưa lũ cùng làm nhiều tuyến đường ở các địa phương trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nặng gây chia cắt cục bộ. Tuyến Quốc lộ 40B đoạn Km 103+100 (huyện Nam Trà My) bị sạt lở, đất đá tràn ra đường. Các tuyến đường về xã, thôn hầu hết đều bị sạt lở với khối lượng lớn. Một số tuyến đường trên địa bàn huyện Bắc Trà My cũng bị sạt lở, giao thông bị chia cắt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương gấp rút đánh giá lại toàn bộ tình hình, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, máy móc thiết bị để dự phòng cho mọi tình huống xảy ra.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ khi ghi nhận 1 người chết (ông Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1980, huyện Hành Nghĩa, do bất cẩn nên bị nước lũ cuốn trôi). Ngoài ra, 3 người khác hiện vẫn đang bị mất tích.
Bên cạnh mất mát về người, sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởn lớn. Thống kê đến sáng 25/10, hơn 162ha lúa, ngô; 443ha rau màu bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng; 11 tấn lương thực bị ướt. 2.811 con gia súc, gia cầm bị chết; 153ha thủy sản bị thiệt thại. Hệ thống giao thông, thủy lợi bị tổn thương nghiêm trọng với khoảng 2.564m kênh mương bị sạt lở; 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng…
Có phương án bảo đảm an toàn hồ chứa
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 25/10, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, áp thấp nhiệt đới hiện đang di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa to, có nơi mưa rất to.
Trước diễn biến đáng lo ngại của áp thấp nhiệt đới, tính đến sáng 25/10, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện/261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Hiện, 77 hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn.
Chủ động ứng phó với mưa lũ, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. UBND các tỉnh, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan của địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quan Hoài nhấn mạnh, nguy cơ mưa lũ kéo dài tại các khu vực trên cả nước là rất đáng lo ngại; đặc biệt là tại miền Trung - nơi người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Do vậy, các địa phương cần tập trung tìm kiếm các trường hợp còn đang bị mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ những ngày qua. Căn cứ diễn biến mức nước để ổn định cuộc sống cho người dân phải di dời.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin áp thấp nhiệt đới, cảnh báo, dự báo mưa, lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh. Những ngày tới, cần tăng cường kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…

Theo Báo Kinh tế Đô thị

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: