Miền Trung oằn mình chống lũ

Đăng ngày: 06-09-2019 | Lượt xem: 3921
Đến chiều qua 5.9, mưa lũ vẫn diễn biến hết sức phức tạp khiến cho nhiều địa phương từ Nghệ An đến Quảng Trị vẫn đang bị chia cắt cục bộ; hàng trăm điểm trường buộc phải lùi lễ khai giảng.

Mưa lũ khiến nhiều nhà cửa của người dân ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chìm trong nước, lực lượng chức năng phải sơ tán đến nơi an toàn Ảnh: THÂN BA

Hà Tĩnh: Một công an viên tử vong

Ngày 5.9, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn xảy ra mưa to và rất to, hệ thống giao thông nhiều xã bị chia cắt, nhiều công trình nhà cửa bị nước lũ nhấn chìm. Hiện đã có những thiệt hại lớn về người và tài sản. Đến chiều cùng ngày, có 29 xã ở 4 huyện ngập lụt, 6 xã bị cô lập, trong đó huyện Hương Khê là địa phương bị ngập nặng nhất với 18 xã bị ngập cục bộ, 6 xã bị cô lập hoàn toàn… Một người ở huyện Hương Khê thiệt mạng là ông Lê Văn Bân (SN 1965, công an viên trú tại thôn Vĩnh Giang, xã Hương Vĩnh) đi mua thuốc thì bị nước lũ cuốn trôi xuống cống nước và tử vong. Tám người dân tộc Chứt (trú bản Rào Tre, xã Hương Liên) đi vào rừng hái lá nón hôm 2.9 và bị mất liên lạc, đến nay vẫn chưa về được lại nhà do nước lũ chia cắt.

Cũng trong ngày 5.9, khi mà hàng triệu HS, trẻ em mầm non trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới thì có hàng ngàn HS, trẻ em mầm non ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng bị “lỡ” ngày khai giảng năm học mới do mưa lớn, nước lũ dâng cao. Theo đó, có 173 trường dừng khai giảng năm học mới.

Quảng Bình: Lật ca nô, 6 cán bộ huyện bị cuốn trôi khi đi thị sát lũ

Ngày 5.9, ông Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại xã Liên Trạch, Hưng Trạch và Sơn Trạch (huyện Bố Trạch). Đến 14h cùng ngày, trên địa bàn huyện Bố Trạch mưa vẫn nặng hạt, mực nước sông Son đang dâng lên. Toàn huyện có 688 hộ dân bị ngập lụt, và đã tổ chức di dời khoảng 1.500 hộ từ những nơi ở thấp có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét và sạt lở về nơi an toàn...

Sau khi đến kiểm tra, thăm hỏi người dân tại các điểm bị ngập lụt nặng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Thắng lưu ý, trước tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, yêu cầu lãnh đạo địa phương cần theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”. Đối với những địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, địa phương và các ngành chức năng có phương án cụ thể để tiếp tục di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

 

 

 Nhờ mặc áo phao và được người dân đưa thuyền ra cứu nên 6 người đã được cứu thoát

Trước đó, vào khoảng 8h 30’ ngày 5.9, đoàn công tác của UBND huyện Tuyên Hóa gồm ông Cao Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện và anh Đoàn Thanh Đạm, Phóng viên Đài TT-TH huyện cùng 3 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện đi nắm tình hình, thăm hỏi bà con vùng lũ ven sông Gianh. Tổ công tác 6 người di chuyển bằng ca nô xuất phát từ xã Đức Hóa theo sông Gianh xuống thăm hỏi tình hình bà con vùng lũ ở xã Phong Hóa. Khi đến địa bàn xã Phong Hóa thì chiếc ca nô gặp vật cản nên bị lật chìm. Toàn bộ 6 người trên ca nô bị rơi xuống sông.

Lúc này, do nước lũ chảy xiết đã khiến 6 người trôi dạt gần 1 km. Nhờ mang áo phao nên mọi người không bị lũ nhấn chìm. Người dân ở ven sông đã phát hiện và đưa thuyền ra cứu nạn và cả 6 người lên bờ an toàn. Tuy không thiệt hại về người nhưng máy quay phim của phóng viên Đài TT-TH huyện Tuyên Hóa đã bị hư hỏng.

Quảng Trị: Hàng ngàn người dân vùng biên phải di dời trong cơn lũ lịch sử

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, mưa lớn kéo dài từ ngày 3–4.9 đã khiến mực nước sông Sê Pôn dâng cao, gây ra tình trạng ngập lụt tại nhiều khu vực dân cư, tập trung tại các địa bàn khu vực biên giới, trong đó nghiêm trọng nhất là tại thị trấn Lao Bảo. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã huy động lực lượng di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho hay, trước diễn biến của tình hình ngập lụt, thị trấn đã triển khai di dời 450 hộ với 2.000 nhân khẩu tại các khóm Tân Kim, Duy Tân, Vĩnh Hoa, Ka Tăng... đến nơi an toàn. Chính quyền và lực lượng chức năng vẫn đang theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để đưa ra các phương án đối phó phù hợp.

Hiện nay, tại huyện Hướng Hóa mặc dù mưa giảm nhưng giao thông vào các xã vùng sâu vùng xa của huyện, nhất là các xã vùng Lìa và một số xã phía Bắc của huyện như Hướng Phùng, Hướng Sơn... đang bị chia cắt cục bộ. Một số nơi người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại vì đường sạt lở. Tại các khu vực ngập lụt, phương tiện di chuyển của người người dân chủ yếu là ghe, thuyền... Trong khi đó, nhiều trường học trên địa bàn huyện phải tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên.

Theo thống kê từ UBND huyện Hướng Hóa, trong những ngày mưa lũ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân với 4.000 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập lụt nguy hiểm. “Theo dự tính trong thời gian tới khả năng nước trên sông Sê Pôn sẽ còn cao hơn, do đó huyện đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn cần tích cực phối hợp với những lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện cứu hộ cần thiết để đưa người dân đến địa điểm an toàn khi có trường hợp xấu xảy ra”, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết.

Đến ngày 5.9, có 173/366 trường học dừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Những trường này sẽ tiến hành khai giảng vào thời gian phù hợp.

Theo baovanhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: