Miền Trung quay quắt trong nắng hạn lịch sử: Sinh tồn trong 'chảo lửa'

Đăng ngày: 24-07-2019 | Lượt xem: 1249
Đã hơn 2 tháng nay gió Lào thổi sàn sạt ngày đêm, sông suối, ao hồ trơ đáy, đến cỏ dại ngoài đồng cũng không còn để trâu bò ăn. Nắng nóng khiến cuộc sống của người dân Quảng Bình đảo lộn.
Trên cánh đồng xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), đã 15 giờ chiều nhưng vẫn không một bóng người. Chỉ lác đác mấy con trâu, bò đội nắng tìm kiếm thức ăn cháy khét trên đồng ruộng nứt nẻ.
Chủ tịch xã Quảng Lưu Hồ Thăng Long chạy xe máy thăm đồng, nói như hét trong tiếng rít chao chát của gió Lào: “Anh biết không, xã tui có 295 ha lúa nước, nhưng giờ chỉ còn 51 ha, nắng hạn kiểu này không biết còn trụ lại được mấy ha đây?”.
Cụ ông Trần Thủ “mót cỏ” cho bò giữa cái nắng nóng như đổ lửa   Ảnh: H.N

Hơn 16 giờ chiều, chúng tôi mới bắt gặp một bóng người trên cánh đồng nứt nẻ, bạc trắng của xã Quảng Lưu. Ông là lão nông Trần Thủ, ra đồng cắt cỏ cho bò.

Ông Thủ nói: “Tui năm nay đã 76 tuổi, nhưng chưa có mùa nào lại nắng nóng, hạn hán như năm nay. Lo miếng cơm, nước uống cho người đã khó, nay phải lo thêm cho 7 con bò khiến tui bở hơi tai. Chú xem, cả cánh đồng mênh mông như rứa mà không có một cọng cỏ, chỉ còn lại lún phún hai bên bờ ruộng, bò ăn không đủ no. Nói là đi cắt cỏ, chứ thực chất là tui đi mót cỏ về phụ thêm cho chúng, nếu không là trắng tay”.
Xóm làng đoàn kết nhờ giếng nước dùng chung
Tại thôn Bình Minh, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), hầu hết nhà dân làm trên nền đá vôi nên thiếu mạch nước ngầm. Lâu nay người dân vẫn dùng nước giếng khoan, tuy nhiên mùa hạn năm nay giếng khoan cả làng đều hết nước. 
Để khoan một giếng nước xuyên qua nền đá vôi giá không dưới 25 triệu. Cả làng đều nghèo, làm thuê làm mướn quanh năm lấy tiền đâu ra khoan giếng. Cái khó ló cái khôn, ông Đinh Thanh đề xuất ý tưởng, các hộ nhà gần nhau góp tiền thuê người về khoan giếng dùng chung. “Tui khởi xướng 5 hộ quanh xung quanh nộp đủ 20 triệu làm cái giếng khoan, sâu hơn 50m mới có nước. Nó bơm không tốn điện, nước bơm bằng tay. Thời buổi này có thể nhịn ăn ba ngày không chết chứ nhịn uống 3 ngày giữa đại hạn thì chết chắc chứ không đùa” - ông Thanh cười nói.
Từ mô hình của nhóm ông Thanh, cả làng học tập, cứ 5 đến 10 hộ chung tiền khoan giếng. Vậy là Bình Minh thoát cơn khát trong mùa đại hạn, tình làng, nghĩa xóm lại thêm bền chặt nhờ những giếng nước dùng chung.
Ông Cao Văn Sòng, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa kể: “Khát quá, kêu mãi, vừa rồi Bộ Tài nguyên Môi trường vô khoan thăm dò giúp dân 2 cái giếng khoan trên núi đá vôi. Khoan một mũi 50m mà không thấy nước. Họ nản, rút mũi khoan lên rồi, dân tui van xin mấy bác làm phước khoan thêm. Họ thấy bà con miền núi thương quá, chấp nhận tốn kém khoan đến mét 70 vẫn không thấy chi. Bà con lại xin, họ khoan 80m vẫn không thấy tia nước, dân lại nói đã xuống được chừng đó thì sâu thêm mấy chục mét nữa coi, thương thì thương cho trót. Rứa mà họ khoan đến trăm mét, nước phụt lên, dân mừng hơn bắt được vàng”.

 

Phòng làm việc của ông Chủ tịch xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa) Cao Văn Sòng, 4 chiếc quạt chĩa vào chạy vù vù nhưng người ông vẫn mồ hôi nhễ nhại. “Có thể nói năm nay nắng hạn kỷ lục. Không nói chuyện ngoài đồng nữa, vì không còn chi để nói, ta nói chuyện trong nhà nhé. Dân tui bắt đầu hết nước sinh hoạt cách đây hơn tháng. Thuê người ta về khoan giếng, cứ một mũi khoan xuyên đá vôi hơn 50m họ lấy 25 triệu đồng, nhưng có phải nhà nào cũng may mắn trúng mạch nước ngầm đâu. Như nhà tôi khoan lỗ thứ tư mới có nước. Nhà nào không có nước phải mua một mét khối hết 120 nghìn đồng”, ông Sòng nói.

Theo tienphong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: