Mới nhất Văn Hậu bị "đàn anh" trêu chọc vì nhận thẻ vàng Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam qua ảnh Tạo nhiều "vỏ bọc" trốn truy nã 15 năm không thoát tội Bắt giữ 3 ô tô vận chuyển hàng lậu trên tuyến Hà Nội- Lào Cai Những món đồ công nghệ nhất định phải sắm dịp cuối năm Ngày 1

Đăng ngày: 18-12-2019 | Lượt xem: 999
Nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nước mặn đã xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng so với hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 10-2019 lượng mưa vùng thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35-40%. Vùng trung và hạ lưu ở mức xấp xỉ TBNN, cao hơn năm 2015 khoảng 10-15%.

Điều này, dẫn đến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 - 0,7m, chỉ ở mức tương đương cùng kỳ năm 2015.

Các số liệu như trên hồi năm 2015 đã dẫn đến mùa khô lịch sử đầu năm 2016. Dự báo dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020 rất hạn chế, có khả năng thiếu hụt khoảng 30-45%. Chính vì vậy, vùng ĐBSCL đối diện với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, diễn ra sớm và sâu hơn nhất là ở các địa phương ven biển như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An và Kiên Giang. 

Người dân nối ống bơm nước vào trữ khi độ mặn giảm.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR), từ giữa tháng 12-2019 mặn có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 35 - 45km tính từ cửa sông, cao hơn năm 2016 từ 3 - 5km. Tháng 1 và 2-2020, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào nội đồng lên đến 55 - 110km, cao hơn năm 2016 từ 3-7km.

Tại Vĩnh Long, độ mặn trên 5‰ đã xuất hiện tại huyện Vũng Liêm và Mang Thít từ ngày 8-12, sớm hơn mùa khô năm 2018-2019 khoảng 1 tháng. Trên sông Cổ Chiên tại huyện Vũng Liêm độ mặn từ 5,8-8,2‰, đặc biệt tại vàm Mang Thít (giáp huyện Vũng Liêm và Mang Thít) đã lên mức xấp xỉ 5,8‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 là 0,3‰), trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) đạt 6,3‰ (vượt đỉnh mặn năm 2016 là 1,4‰).

Ông Trương Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Chánh An, huyện Mang Thít, cho biết: “Địa phương nằm cách biển khoảng 70 km nhưng khoảng 1 tuần trước, độ mặn đo được trên sông Mang Thít là 5,4‰ nên chúng tôi đã cho đóng cống ngăn mặn, đồng thời khuyến cáo bà con chủ động sản xuất. Nhưng gặp khó là nhiều nhà vườn trồng sầu riêng không dám lấy nước tưới vì sợ sầu riêng sẽ chết như đợt hạn mặn năm 2016”.

UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ cùng chung tay phòng, chống hạn, mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ cao, chủ động bố trí ngân sách địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn.

Trong khi đó, mặn đã tấn công vào 1 trong 2 làng hoa lớn nhất tại ĐBSCL là tại huyện Chợ Lách (Bến Tre). Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, năm nay mặn xâm nhập vào địa bàn sớm hơn 2 tháng, sâu hơn và nồng độ cao hơn so với đợt hạn mặn lịch sử 2016. “Cách đây vài ngày, độ mặn đo được tại địa phương là 8‰, cao gấp đôi năm 2016. Vài ngày nữa, nếu có gió chướng thì mặn tiếp tục tăng. Ngành nông nghiệp khuyến cáo cho bà con trồng hoa trữ nước ngọt vì dự báo năm nay mặn sẽ kéo dài đến 5 tháng”, ông Liêm thông tin.

SIWRR khuyến cáo các địa phương ĐBSCL cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh và cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước. 

Lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt chủ động cho các vùng xa, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa. Để có thông tin kịp thời về xâm nhập mặn, nguồn nước và xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn mặn, SIWRR đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo nguồn nước của Tổng cục Thủy lợi và SIWRR.

Theo cand.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: