Mùa khô, chủ động nguồn nước

Đăng ngày: 05-04-2021 | Lượt xem: 1838
Xây dựng nhiều công trình để bảo đảm kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động phân phối nguồn nước hợp lý

Theo các chuyên gia, tình hình hạn, mặn năm nay được dự báo tuy không khốc liệt như mùa khô năm 2015-2016 nhưng không vì thế mà các tỉnh, thành ở ĐBSCL được phép chủ quan, cần bảo đảm dự trữ đủ nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất.

Hạn, mặn theo đà giảm

Tổng cục Thủy lợi cho biết nguồn nước mùa khô năm 2020-2021 về ĐBSCL xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây. Tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay bình quân là 61,28 tỉ m3 (cao hơn 4 tỉ m3 so với trung bình nhiều năm, cao hơn 18,68 tỉ m3 so với mùa khô năm 2015-2016). Mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn (XNM) đã xuất hiện sớm từ ngày 24-1 tại một số cửa sông, sớm hơn gần 1 tháng so với trung bình nhiều năm, tương đương so với mùa khô năm 2015-2016, muộn hơn 1,5 tháng so với mùa khô năm 2019-2020.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 4, ở vùng cửa sông Cửu Long, XNM bắt đầu giảm dần, phạm vi cách biển từ 30-45 km, có nước ngọt khi triều thấp. Vùng sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, XNM tiếp tục duy trì ở mức như trong tháng 3. Từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, XNM trên sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn bắt đầu giảm; ở vùng các cửa sông Cửu Long, XNM khả năng sẽ giảm nhanh, nguồn nước ngọt xuất hiện khá dồi dào, các vùng 25-30 km trở vào có thể có nước ngọt. Với mức độ XNM như dự báo, cần đề phòng khả năng gây thiếu nước cho khoảng 40.000 ha cây ăn trái và lúa tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Trà Vinh. Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - thông tin: "Hạn, mặn tại địa phương đã giảm so với cùng kỳ do có mưa. Khuya ngày 2 và rạng sáng 3-4, tại Chợ Lách có mưa lớn khiến độ mặn giảm. Hiện mặn lên ngoài sông theo triều cường, độ mặn đo cao nhất chỉ 3-4‰ tại xã Phú Sơn. Bà con nơi đây cũng đã chủ động nước tưới, thường xuyên theo dõi độ mặn".

Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp các địa phương triển khai những biện pháp ứng phó với hạn, mặn. Trước hết, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không được để hộ dân thiếu nước sinh hoạt và nước cho sản xuất, bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước. Bà Nguyễn Thị Đẹp (ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nói: "Để chủ động nước tưới, từ cuối năm ngoái, tôi đã mua 2 túi trữ nước ngọt, mỗi túi có dung tích 30 m3, dùng tưới cho vườn chôm chôm khi mặn vào. Cây chôm chôm rất nhạy cảm với độ mặn nên tôi phải theo dõi bản tin về mặn trên đài thường xuyên, đồng thời đo độ mặn hằng ngày".

Mùa khô, chủ động nguồn nước - Ảnh 1.

Người dân ở Vĩnh Long dùng bạt lót xuống ao trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới tiêu vào mùa khô. Ảnh: CA LINH

Đầu tư hồ chứa nước ngọt

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT đã triển khai xây dựng đề án "Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL", trong đó đề xuất những giải pháp dài hạn. Theo đề án này, sẽ có cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành, bao gồm dữ liệu về dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông, đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy… Đáng chú ý, đề án này tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý.

 

Mới đây, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho hay bộ đầu tư 11 hệ thống công trình thủy lợi tại ĐBSCL. Sau đợt hạn, mặn năm 2015-2016, đã nghiên cứu, đầu tư 11 công trình, hiện có 5 công trình đưa vào sử dụng sớm so với kế hoạch 5- 4 tháng, các công trình còn lại đang được đầu tư và đẩy mạnh triển khai.

Theo Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), với các giải pháp đang thực hiện, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL đã từng bước được khắc phục. Tỉnh Bến Tre đã trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12/35 trạm cấp nước để tạo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân. Tỉnh Sóc Trăng đã mở rộng được 115 km mạng lưới đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân. Tỉnh Kiên Giang bố trí kinh phí đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng cấp suất nhà máy cấp nước để bảo đảm cung cấp cho 9.000 hộ… Tỉnh Tiền Giang đang tích cực triển khai đầu tư các hồ chứa nước ngọt tại khu vực quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (197,3 ha) và dự kiến ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành làm hồ trữ nước ngọt cung cấp cho hơn 800.000 hộ dân mùa khô hạn. Dự kiến, sau khi các công trình này hoàn thành sẽ là 1 trong 2 hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây.

Theo Nld.com.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: