Tại Phương Mỹ (Hương Khê - Hà Tĩnh) nước lũ tăng thêm 2m so với ngày 4/9 (Nguồn: báo Hà Tĩnh)
Cụ thể, tính đến 11h ngày 5/9, có 5 người chết và mất tích do mưa lũ, trong đó Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 2 người (1 người bị mất tích), Thừa Thiên - Huế 1 người, Yên Bái 1 người. Về nhà ở, có 4.479 nhà bị ngập (Nghệ An 50 nhà, Thừa Thiên - Huế 30 nhà, Quảng Bình 2.943 nhà, Quảng Trị 1.456 nhà), tăng 1.668 nhà (so với ngày 4/9) tại Quảng Bình. Riêng Hà Tĩnh đang cập nhật số liệu; sơ tán tại chỗ 1.078 nhà tại Quảng Bình.
Về giáo dục: 452 điểm trường không tổ chức khai giảng được (Hà Tĩnh: 173, Quảng Bình: 106, Quảng Trị: 173).
Về nông lâm nghiệp: 11.560ha lúa, hoa màu bị ngập (Nghệ An: 3.041ha; Hà Tĩnh: 3.125ha; Quảng Bình: 566ha; Quảng Trị: 4.824ha).
Về giao thông, tại Hà Tĩnh: 25 xã giao thông chia cắt; Quảng Bình: QL12A, QL15, QL 9B ngập 6 điểm sâu từ 0,2 đến 1,0m, 13 điểm sạt lở và tuyến đường tỉnh 559, 559B, 562 và tuyến đường huyện bị ngập, gây chia cắt; Quảng Trị, nhiều tuyến đường thuộc các huyện Hướng Hóa, Đắkrông bị ngập gây chia cắt 14 xã và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh sạt lở tại Km 265, 287.
Về tình hình ngập lụt, tại Hà Tĩnh: Huyện Hương Khê, hồ Hố Hô đang xả lũ, hiện một số khu vực thấp trũng bị ngập (các xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Hương Liên). Tại Quảng Bình: 4 xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm (huyện Lệ Thủy) ngập lụt, chia cắt các khu vực trũng thấp. Tại Quảng Trị: 4 xã huyện Đắkrông (A Ngo, Tà Long, Ba Năng, A Vao), 3 xã huyện Hướng Hóa (Thuận, Ba Tầng, A Xinh) bị ngập lụt chia cắt nhiều điểm.
Về tàu thuyền: Tàu QNa91928TS (1075CV)/44 người bị chìm ngày 02/9 ở khu vực quần đảo Trường Sa, đã cứu vớt được 41 thuyền viên; hiện còn 3 người mất tích; các lực lượng đã huy động 9 tàu Quảng Nam và tàu KN420 tiếp tục tổ chức tìm kiếm.
Về tình hình lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị: Hiện nay, lũ trên thượng lưu các sông ở Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống, hạ lưu các sông ở Quảng Bình đang dao động ở mức cao; các sông ở Hà Tĩnh đang lên; các sông ở Quảng Trị đang xuống. Mực nước lúc 4h ngày 5/9 trên các sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 14,39m, trên báo động 3 là 0,89m; tại Hòa Duyệt 9,52m, dưới báo động 3 là 0,98m; sông Gianh tại Đồng Tâm 12,81m, trên báo động 2 là 0,81m; tại Mai Hóa 6,78m, trên báo động 3 là 0,28m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 2,56m, dưới báo động 3 là 0,14m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 3,90m, dưới báo động 2 là 0,10m.
Dự báo, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên, các sông ở Quảng Bình dao động ở mức cao; các sông ở Quảng Trị tiếp tục xuống. Đến chiều ngày 5/9, mực nước trên các sông khả năng như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ lên mức 14,7m, trên báo động 3 là 1,2m; tại Hòa Duyệt lên mức 10,5m, ở mức báo động 3; sông Gianh tại Mai Hóa dao động ở mức 6,5m, ở mức báo động 3; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy dao động ở mức 2,4m, trên báo động 2 là 0,2m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 3,2m, trên báo động 1 là 0,7m.
Về tình hình hồ đập, khu vực Bắc Bộ có 08/82 hồ thuỷ điện đang vận hành xả qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ 05/22 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên 17/67 hồ đang vận hành xả qua tràn; thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đang xả với lưu lượng 732m3/s (thời điểm xả lớn nhất là 1.460m3/s vào 8h ngày 3/9). Về hồ thuỷ lợi, hiện có 05 hồ đang vận hành xả tràn là Vực Mấu (Nghệ An): 17 m3/s; Ia Mơr (Gia Lai): 52 m3/s; Hoàng Ân (Gia Lai): 5 m3/s; Buôn Yông (Đắk Lắk): 5 m3/s; Ea Soup Thượng (Đắk Lắk): 70 m3/s.
Để ứng phó với thiên tai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện số 926/CĐ-BGDĐT ngày 02/9/2019 chỉ đạo UBND các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tùy theo diễn biến mưa lũ tại địa phương chủ động lùi ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Thực hiện nghiêm Công điện số 15/CĐ-TWPCTT ngày 02/9/2019 của Ban chỉ đạo TWPCTT và Thông báo số kết luận của Bộ trưởng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT số 427/TB-TWPCTT-VP, trong đó tập trung vào các nội dung: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu. Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất. Đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều; hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, gió mạnh trên biển và mưa lớn phục vụ việc chỉ đạo phòng chống.
Theo cpv.org.vn