Nam Trung bộ đối diện khô hạn khốc liệt

Đăng ngày: 28-02-2020 | Lượt xem: 1899
Đang ở giữa vụ sản xuất đông xuân năm 2019-2020 nhưng tại nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên người dân vẫn “chạy nước” từng bữa để cứu lúa và hoa màu.

Thủy điện An Khê-Ka Nak xả nước cứu hàng trăm ha lúa, hoa màu cho người dân xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Tại nhiều địa phương khu vực duyên hải Nam Trung bộ, hiện đã báo động tình trạng hạn hán, thiếu nước. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đang đứng trước nguy cơ phải đối diện với trận hạn lịch sử trong 2 năm liên tiếp. Đại hạn “gối đầu”, nhiều địa phương căng mình lên kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người dân.

Ruộng khô, người khát

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, đang ở giữa vụ sản xuất đông xuân năm 2019-2020 nhưng tại nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên người dân vẫn “chạy nước” từng bữa để cứu lúa và hoa màu.

Theo phản ánh của người dân, từ đầu năm 2019 đến nay, nắng hạn kéo dài, lượng mưa rất hạn chế, lũ ở thượng nguồn Tây Nguyên cũng không xuất hiện, nên khô hạn đang lan rộng.

Ông Bùi Hữu Ân (thôn Phú Nhiêu, xã Bình Phú, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lo lắng: “Tôi đang trồng 2 sào lúa, lúa đang làm đòng nhưng gặp lúc thiếu nước nên rất dễ bị ảnh hưởng. Ngày nào gia đình cũng cắt cử người canh nước, bơm nước cứu hạn cho lúa rất khổ sở. Vùng đất xã Bình Phú xưa nay chủ yếu nhờ nước trời. Với tình hình này, vụ hè thu tới chắc lại bỏ hoang đồng thôi…”. 

Chúng tôi đến vùng đồng Lý thuộc xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) trong lúc một số hộ dân đang tranh thủ thu hoạch lúa vụ đông xuân (sản xuất sớm để tránh hạn). Cánh đồng rộng nhưng khô cháy nứt nẻ, nhiều đám ruộng lúa khô cháy thả cho bò ăn.

Ông Võ Văn Lộc (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận) than thở: “Từ đầu năm 2019 đến nay, trời cứ nắng miết, không có một trận mưa lớn nào. Lũ ở thượng nguồn Tây Nguyên cũng không còn đổ về khiến đồng ruộng nứt nẻ; khe suối, ao hồ trơ đáy hết. Chúng tôi đã chủ động gieo sạ lúa sớm để tranh thủ né hạn, nhưng vụ mùa vẫn thất thu, chỉ thu được 20%...”. 

Theo báo cáo của sở NN-PTNT hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, hiện các địa phương có gần 280 hồ đập chứa nước thủy lợi, 90% trong số này đều là hồ đập đất loại nhỏ đã xuống cấp, khả năng tích nước rất hạn chế. Nhiều hồ “siêu nhỏ”, người dân bơm tưới tiêu vài hôm là trơ đáy.

Dự báo, trong thời gian đến, lượng mưa vẫn không cải thiện sẽ có hàng chục ngàn hécta cây trồng bị hạn vào cuối vụ đông xuân và đến vụ hè thu sẽ phải dừng sản xuất. Riêng tỉnh Bình Định, dự kiến sẽ có 6.000 hộ dân tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh… thiếu nước sinh hoạt vào đầu mùa khô này. 

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng do khô hạn khoảng 6.387ha và nguy cơ 8.000 người thiếu nước sinh hoạt. Còn đến vụ hè thu, nếu lượng mưa vẫn không cải thiện, sẽ có hơn 12.700ha bị hạn, vài chục ngàn người dân thiếu nước”.

Trong khi đó, theo ông Phạm Chí Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Yên: năm 2019, Phú Yên đã trải qua một đợt hạn nghiêm trọng nhất trong suốt 1 thế kỷ qua. Theo dự báo, đợt hạn năm 2020 này sẽ còn căng thẳng hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 11.000 dân và hàng chục ngàn hécta lúa, hoa màu thiếu nước. 

Cầu cứu thủy điện

Trước tình trạng trên, UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) kiến nghị cấp trên yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak (giáp ranh Bình Định - Gia Lai) xả nước cứu lúa và hoa màu cho dân. Qua đó, Thủy điện An Khê - Ka Nak đã tiến hành xả nước 1 lần trong 3 ngày (mỗi ngày 2 tiếng) để cứu hàng trăm hécta lúa và cây trồng hàng năm cho người dân tại 2 thôn Trung Sơn, Thượng Sơn (xã Tây Thuận). Tuy nhiên, lượng nước xả từ thủy điện cũng rất hạn chế, không đủ cho dân sản xuất.

Ông Trần Ngọc Thành (xã Tây Thuận) đang trồng 0,7ha lúa, ớt, sắn bên hồ thủy điện An Khê - Ka Nak, than vãn: “Ngày trước thì công ty thủy điện chặn con suối lớn nhất của vùng từ Gia Lai chảy về nên cứ hạn là suối lại trơ đáy. Trước kia dân phản đối thủy điện nhưng bây giờ thì cũng đội ơn thủy điện vì đã xả nước để cứu hàng trăm hécta lúa, hoa màu cho dân. Bây giờ, toàn bộ cánh đồng của 2 thôn Trung Sơn, Thượng Sơn này đều nhờ cả vào thủy điện. Mong họ xả thêm vài đợt nữa để dân tích đủ nước, chống chọi qua mùa hạn này chứ không thì gay go…”.

Đặt vấn đề với sở, ông Nguyễn Mậu Văn khẳng định với chúng tôi, hồ thủy điện Đăkđrinh vẫn giữ dung tích chứa nước trên 234 triệu m3, đạt gần 94% so với thiết kế. Trong quá trình vận hành phát điện, thủy điện Đăkđrinh cũng cam kết sẵn sàng xả nước, góp phần hỗ trợ người dân tại huyện Tây Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và một số huyện lân cận chống chọi với hạn hán.

Hạn mặn kéo dài làm nghêu chết hàng loạt ở Bến Tre

Từ hơn một tháng nay, các HTX thủy sản Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri); HTX thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại); HTX thủy sản Thạnh Lợi (huyện Thạnh Phú)… thuộc tỉnh Bến Tre xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt, với diện tích thiệt hại hàng trăm héc-ta, chủ yếu nghêu thương phẩm từ 30-40 con/kg, từ 40-80 con/kg và loại từ 80-90 con/kg.

Chiều 27-2, ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện tượng nghêu chết với số lượng lớn tại một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh những ngày qua có thể do hạn mặn kéo dài, nắng nóng gay gắt khiến độ mặn tăng cao.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre khuyến cáo các HTX có nghêu chết tạm thời ngưng thả giống, tiến hành thu gom nghêu chết nhằm hạn chế ô nhiễm bãi nuôi. Đơn vị cũng hướng dẫn các HTX thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của nghêu nuôi; phân công cán bộ đo đạc các yếu tố môi trường hàng ngày và ghi nhật ký nhằm theo dõi sức khỏe của nghêu để có giải pháp quản lý phù hợp. Khuyến cáo các HTX tập trung thu hoạch toàn bộ số lượng nghêu thịt đạt kích cỡ thương phẩm, nhằm giảm tỷ lệ thiệt hại.

TÍN HUY

Theo sggp.org.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: