Nghệ An: Xả lũ thủy điện làm “nóng” cuộc họp UBND tỉnh tháng 8

Đăng ngày: 24-08-2018 | Lượt xem: 4231
(TN&MT)- Tại cuộc họp UBND tỉnh Nghệ An tháng 8 vào ngày 23/8 đã có nhiều phản ánh, chia sẻ, tranh luận của các đại biểu về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và quy trình vận hành xả lũ của...

Tại cuộc họp, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, vụ hè thu vừa qua diện tích sản xuất nông nghiệp đã được phủ kín, tuy nhiên trong tháng 7 và tháng 8 xảy ra 2 cơn bão gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các địa phương. Đặc biệt hoàn lưu của cơn bão số 4 đã gây mưa lớn trên khu vực miền Tây Nghệ An gây lũ lụt, ngập úng tại nhiều địa bàn. Thep thống kê đã có 5.100 ha lúa và hoa màu của người dân bị ngập, khoảng 300 - 500 ha lúa của đồng bào miền núi bị bùn đất vùi lấp cần thời gian để khắc phục. Đã có 6 người tử vong do mưa lũ, tổng thiệt hại ước tính gần 800 tỷ đồng.
 

Người dân cho rằng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ là nguyên nhân gây ngập lụt

Người dân cho rằng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ là nguyên nhân gây ngập lụt

Còn ông Hoàng Trọng Kim – Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho rằng, sau mỗi đợt xảy ra thiên tai, cần có đánh giá, báo cáo chi tiết, cụ thể thiệt hại về cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên cơ sở đó để đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài. Đồng thời phải khảo sát quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi và thủy điện, phải kiểm tra quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa, vì đây chính là mấu chốt dễ gây ra lũ lụt khi thiếu sự phối hợp đồng bộ.
 

Quy trình điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du sau cơn bão số 4 mà Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cung cấp

Quy trình điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du sau cơn bão số 4 mà Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cung cấp

Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, nói: Hoạt động trong những ngày vừa qua của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt, ngập úng. Các nhà máy thủy điện trên dọc theo Quốc lộ 7 được xây dựng theo địa hình bậc thang, trong đó chỉ có Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là được thiết kế để cắt lũ cho hạ du. Cũng theo ông Tám, nếu đợt lũ vừa rồi Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ không cắt lũ đến 70% thì các huyện hạ du, đồng bằng sẽ ngập nặng.
 

Tại cuộc họp đã có 16 ý kiến phản ánh, tranh luận và đề xuất giải pháp về vấn đề vận hành hoạt động của các nhà máy thủy điện, tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ. Trong đó, phần lớn các đại biểu yêu cầu tỉnh cần sớm có cơ chế hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
 

Dù không mưa nhưng các huyện hạ du như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên vẫn bị ngập lụt

Dù không mưa nhưng các huyện hạ du như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên vẫn bị ngập lụt

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, UBND tỉnh đã phân công đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức 2 tổ kiểm tra nhằm đánh giá sát đúng tình hình.
 

Trong đó, một tổ thực hiện giám sát, theo dõi quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, nhất là đối với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Trên cơ sở đó xác định xem các nhà máy có thực hiện đúng quy trình hay không và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tổ còn lại sẽ tiến hành kiểm tra, xác định mức thiệt hại cần hỗ trợ, và tỉnh cũng hỗ trợ sớm đối với các địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là những huyện bị thiệt hại nặng nề như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Nghĩa Đàn. Yêu cầu Sở Tài chính sớm có giải pháp cân đối ngân sách hỗ trợ cho các địa phương, có thể ứng trước kinh phí và nếu cần phải dùng ngân sách dự phòng năm 2018 nhằm giúp các địa phương và người dân khắc phục hậu quả bão lụt.
 

Khắc phục hậu quả lũ lụt tại Trường tiểu học thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn

Khắc phục hậu quả lũ lụt tại Trường tiểu học thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn

Được biết, đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nhiều huyện miền Tây Nghệ An đã bị thiệt hại hết sức nặng nề. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, toàn tỉnh Nghệ An có 6 người chết và mất tích; có 25 nhà bị sập; 58 nhà bị tốc mái và hư hỏng; có 749 nhà phải di dời do sạt lở và ngập sâu. Đợt lũ cũng khiến hơn 5.300 ha lúa bị ngập; hơn 1.600 ha ngô, rau màu các loại bị ngập cùng gần 1.300ha nuôi trồng thủy sản bị ngập…Đặc biệt, sau đợt xả lũ của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (đóng tại huyện Tương Dương) thì nhiều huyện hạ du như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…đã bị ngập sâu; thiệt hại về tài sản cũng khá lớn. Dư luận người dân cho rằng, việc các huyện ở vùng hạ du sông Lam “ngập lụt trong nắng nóng” là do xả lũ thủy điện ở thượng nguồn nên người dân rất bức xúc.
 

Trao đổi với PV, ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty CP thủy điện Bản Vẽ lại cho rằng, việc lũ lụt vừa qua không phải nguyên nhân từ Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ: “Từ ngày 16/8 chúng tôi tiến hành xả lũ theo quy trình. Theo đó, mực nước từ thượng nguồn đổ về cao nhất là trưa ngày 17/8 với lưu lượng khoảng 4.200m3/s trong khi lưu lượng lũ xả qua công trình cao nhất chỉ là 2.500m3/s vào chiều tối ngày 18/8 nên chúng tôi còn có chức năng cắt lũ cho hạ vùng hạ du chứ ngập lụt không phải nguyên nhân do nhà máy xả lũ”.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: