Nguy cơ rét đậm và thiếu nước vụ đông xuân

Đăng ngày: 23-11-2021 | Lượt xem: 2493
Vụ đông xuân năm 2021-2022 ở các tỉnh phía bắc được dự báo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ việc mùa đông rét sớm, rét đậm, cho tới khả năng khan hiếm nước tưới cho mùa cạn và ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Để có vụ đông xuân thắng lợi, đạt hiệu quả năng suất, giá trị và lợi nhuận, ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp trong tình hình mới.

 

Nông dân xã Nam Triệu, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chuẩn bị mạ khay gieo cấy lúa đông xuân. Ảnh: HÀ THU

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân năm 2021-2022 ở các tỉnh miền bắc dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn, như nguy cơ rét sớm, rét đậm, rét hại và tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Mùa đông năm 2021-2022 có xu hướng gia tăng cường độ rét trong các tháng chính đông; rét đậm, rét hại xảy ra sớm, với tần suất mạnh. Lượng mưa khu vực Bắc Bộ từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 phổ biến ít mưa và thời lượng mưa ở mức thấp hơn từ 10 đến 25% so trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022. Nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng. Mực nước thấp lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng, nhất là trong các tháng mùa cạn của năm 2022. Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp cũng đặt ra nhiều thách thức với việc sản xuất nông nghiệp khu vực phía bắc.

Người dân xã Ngọc Thiện (Tân Yên, Bắc Giang) nạo vét kênh mương nội đồng, cung cấp nước phục vụ sản xuất. Ảnh: SỸ QUYẾT

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cả mùa mưa này, khu vực miền bắc hầu như không có lũ về. Lượng nước tới các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đà trong mùa mưa năm nay chỉ bằng khoảng 60 đến 70% so trung bình nhiều năm, nhất là các lưu vực giữa của hồ Hòa Bình và Sơn La chỉ bằng 20 đến 60% so trung bình nhiều năm.

Các hồ thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát trên lưu vực sông Đà hiện chỉ tích được khoảng 60% dung tích hữu ích. Nếu tiếp tục không có lũ về, khả năng các nhà máy thủy điện miền bắc như: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ phải xả hơn năm tỷ mét khối nước xuống hạ du mới có thể bảo đảm nước cho gieo trồng vụ đông xuân ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình nhận định, đến đầu tháng 11, mức nước hồ Hòa Bình đang thiếu khoảng 6,1m so mức nước dâng bình thường (tương ứng 1,2 tỷ m3 nước). Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho cấp nước chống hạn trong mùa khô năm 2022, cũng như việc chuẩn bị nước cho phát điện.

Để chủ động đối phó thiên tai, thời tiết bất lợi, triển khai thắng lợi vụ đông xuân năm 2021-2022 ở các tỉnh phía bắc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, bám sát sản xuất. Tổ chức cày ải sớm ở nơi có điều kiện, mở rộng diện tích lúa chất lượng. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong hỗ trợ sản xuất vụ đông xuân, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo đảm theo VietGAP và hướng hữu cơ.

Dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, khiến đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá vật tư đầu vào, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật năm nay cũng biến động, gây khó khăn cho sản xuất, trồng trọt. Các địa phương cần tiếp tục sản xuất rau màu, cây ăn quả vụ đông, bởi vào dịp cuối năm nhu cầu sẽ tăng cao, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Cục Trồng trọt lưu ý, trong vụ đông xuân năm nay ở các tỉnh miền bắc, với những diện tích không chủ động được nguồn nước thì cần thực hiện chuyển đổi, không trồng lúa bằng mọi giá. Do việc đổ ải không bằng những năm trước, kết hợp với thời tiết lạnh, khả năng sẽ dẫn đến hiện tượng ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ, cho nên cần phải làm đất kỹ và sớm hơn.

Lập xuân sẽ vào ngày 4/2/2022, các địa phương cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để bảo đảm lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực của các đợt rét đậm, rét hại và đợt rét cuối. Theo đó, các địa phương chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện không thuận; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày và chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.

Với lượng nước trữ tại các hồ thủy điện ở mức thấp như hiện nay và tình trạng hạ thấp mực nước hạ du hệ thống sông đang tiếp tục diễn ra, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án điều tiết nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang có hiệu quả để bảo đảm phục vụ sản xuất theo đúng kế hoạch và tiết kiệm nước tưới.

Theo Báo Nhân Dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: