Nhiều đổi mới trong công tác dự báo thời tiết tại Đài KTTV Trung Trung Bộ

Đăng ngày: 14-12-2020 | Lượt xem: 1349
Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) ngày càng trở nên quan trọng và có ảnh hưởng to lớn đến dân sinh, phát triển kinh tế xã hội. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ dự báo KTTV cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, diễn biến về thời tiết thuỷ văn ngày càng phức tạp do tác động của BĐKH toàn cầu đã làm cho các trận bão, lũ với quy mô lớn, diễn biến phức tạp, không theo quy luật chung xuất hiện ngày càng nhiều, làm cho công tác dự báo khó khăn hơn.

Các quan trắc viên của Đài KTTV Trung Trung Bộ đang đo sóng

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các địa phương, Đài KTTV Trung Trung Bộ đã gia tăng mật độ trạm, hiện đại hoá công nghệ quan trắc, truyền tin, công nghệ dự báo KTTV cũng được phát triển khá mạnh mẽ, trong đó điển hình là sự nghiên cứu ứng dụng các mô hình tiên tiến trong nghiệp dự vụ báo.

Nói về công tác dự báo KTTV, ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, cho đến nay, hệ thống quan trắc KTTV ở Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ bao gồm hơn 100 trạm khí tượng, thuỷ văn và đo mưa, 1 trạm khí tượng cao không vô tuyến, 2 trạm Ra đa thời tiết. Các trang thiết bị cũ đang dần dần được thay thế bằng các công cụ và máy móc hiện đại hơn, đảm bảo thu thập số liệu đầy đủ và liên tục.

Ngoài mạng lưới trạm KTTV truyền thống, ngành KTTV cũng tăng cường việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quan trắc, đặc biệt là công nghệ viễn thám. Tại khu vực Trung Trung Bộ, hầu hết các trạm hiện nay đều được trang bị thiết bị quan trắc, truyền tin tự động, trong đó có 2 trạm rađa thời tiết Tam Kỳ và Đông Hà có khả năng kiểm soát tình hình thời tiết trong toàn khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Cũng theo ông Bảo, hiện có một số mô hình dự báo thời tiết đang được nghiên cứu, ứng dụng tại Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ: Mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết WRF (Weather Research and Forecasting) là mô hình được phát triển từ những đặc tính ưu việt nhất của mô hình MM5 với sự cộng tác của nhiều cơ quan tổ chức lớn trên thế giới. Hiện nay, mô hình WRF đang được sử dụng trong dự báo thời tiết, cảnh bảo thời tiết nguy hiểm tại Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ và nhiều nơi trên thế giới như: Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan, Israel…

Máy đo các yếu tố khí tượng tự động

Ứng dụng các công nghệ - mô hình dự báo trong những năm qua đã làm cho chất lượng dự báo KTTV đạt được những tiến bộ đáng khích lệ, góp phần đáng kể cho công tác phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Ngoài các phương pháp dự báo thuỷ văn đã và đang được ứng dụng hiện nay như: Mưa - dòng chảy, mực nước (lưu lượng) tương ứng, xu thế, nhận dạng tương tự,... Các mô hình thuỷ văn, thuỷ lực tiên tiến cũng đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam nói chung và khu vực Trung Trung Bộ nói riêng.

Các mô hình được nghiên cứu ứng dụng phổ biến hiện nay gồm: Mô hình MARINE: Mô hình tính toán thủy văn Marine do Viện Cơ học chất lỏng Toulouse-IMFT (Cộng hòa Pháp) xây dựng. Mô hình dựa trên phương trình Saint-Vernant để tính toán dự báo quá trình hình thành, lan truyền dòng chảy trên lưu vực. Dự báo tốt các cơn lũ sinh ra do mưa trên lưu vực nhỏ, nhưng đòi hỏi phải có số liệu địa hình, thổ nhưỡng, lớp phủ, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đủ dày, đặc biệt phải dự báo được mưa với độ phân giải cao.

Ngoài ra, tại Đài KTVT Trung Trung Bộ, mô hình TANK đang được sử dụng, với mô hình này, lưu vực được mô phỏng bằng chuỗi các bể chứa xếp theo tầng và cột phù hợp với hình dạng lưu vực, cấu trúc thổ nhưỡng, địa chất… Mô hình mô phỏng quá trình hình thành dòng chảy trên lưu vực, và các bể mô tả quá trình truyền sóng lũ trong sông.

Công tác dự báo KTTV trong những năm qua cơ bản đã phục vụ được nhu cầu của xã hội

Mô hình TANK đã được ứng dụng dự báo ngắn hạn quá trình dòng chảy đến hồ tại khu vực Trung Trung Bộ.

Ông Đinh Phùng Bảo cũng cho biết thêm, cùng với sự phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công tác dự báo KTTV cũng đã có những bước tiến đáng kể. Công nghệ trang thiết bị phục vụ dự báo cũng đã được đầu tư, nâng cấp; con người cũng đã được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ để có thể ứng dụng, khai thác công nghệ, trang thiết bị. Vì vậy, công tác dự báo KTTV trong những năm qua cơ bản đã phục vụ được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, với vai trò ngày càng quan trọng của dự báo KTTV đối với xã hội, cần phải tiếp tục có sự đầu tư, phát triển hơn nữa về năng lực, công nghệ.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: