Nhiều khó khăn bủa vây người dân sau lũ

Đăng ngày: 18-11-2020 | Lượt xem: 1410
Trước tình hình thời tiết cực đoan, Hà Tĩnh cùng bộ, ngành Trung ương đang tính toán, thay đổi phương án vận hành hồ Kẻ Gỗ. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn rất khó khăn vì ảnh hưởng của mưa lũ, những tấm lòng hảo tâm vẫn hướng về miền Trung.

Hình ảnh Hà Tĩnh ngập trong nước tại đợt lũ lịch sử vừa qua.

Vận hành hồ Kẻ Gỗ: Phải đặt an toàn hạ du lên số 1

Do ảnh hưởng của cơn bão số 13, đến hết ngày 15/11, toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 50 – 100mm, có nơi trên 150mm.

Trong sáng cùng ngày, đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban thường trực dẫn đầu cũng đã có mặt tại huyện Cẩm Xuyên - hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu bão số 13.

Kiểm tra công tác vận hành hồ chứa nước Kẻ Gỗ, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - thông tin đến Bộ trưởng bộ NN&PTNT, đợt mưa lũ hồi giữa tháng Mười Một vừa qua lần đầu tiên Hà Tĩnh ghi nhận lượng mưa cực đoan lớn đến hơn 1.000mm trong thời gian rất ngắn. Việc tính đến xả qua tràn sự cố, theo thiết kế xác suất 1.000 năm mới xảy ra 1 lần thì lũ vừa qua đã gần rơi vào ngưỡng 1.000 năm 1 lần đó.

“Trước đây Hà Tĩnh xây dựng dự án mới chỉ tính đến hạ du hồ Kẻ Gỗ nhưng bây giờ sẽ đánh giá tổng thể từ đập trở lên. Đó là quan trắc nguồn nước về hồ; tính toán nâng dung tích phòng lũ theo hướng, giảm chức năng tưới, kéo nước Ngàn Trươi về để tưới bù đắp một số diện tích tưới của hồ Kẻ Gỗ; giảm bớt công năng của hồ như giảm phần công nghiệp và nước sạch...”, ông Sơn nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, lâu nay vận hành hồ Kẻ Gỗ theo thứ tự đảm bảo an toàn công trình là số 1, tích nước phục vụ sản xuất đứng thứ 2 sau đó mới đến tiêu thoát lũ hạ du nhưng bây giờ sẽ đặt vấn đề an toàn hạ du lên số 1.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, Hà Tĩnh cần thực hiện ngay việc rà soát toàn bộ kết cấu dân cư vùng thấp trũng, đặc biệt 3 địa phương vừa qua ngập lụt sâu là huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP.Hà Tĩnh. Trước đây, không có yếu tố biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, còn bây giờ kết cấu dân cư, quy mô kinh tế lớn hơn, dày dặc hơn nên cần phải tổng đánh giá lại, có khoa học để đưa ra được nhóm giải pháp căn cơ.

Đối với hồ Kẻ Gỗ, bộ nhất trí phải tính toán lại. Hiện, Kẻ Gỗ là một hồ tốt nhưng trước tình hình biết đổi khí hậu, Bộ sẽ cử đoàn cán bộ khoa học, thủy lợi vào cùng tỉnh đánh giá lại toàn bộ để có một bài toán phục vụ tình hình mới. Từ công năng, sức chứa, yếu tố thượng nguồn cũng phải thay đổi.

“Cái hồ 345 triệu m3 là hồ nhỏ, phạm vi rừng xung quanh mới là hồ lớn. Phải nghiên cứu đến rừng thượng nguồn, rừng phải chăm, khoán như thế nào để giữ nguồn nước... Phần hồ tính toán công năng phục vụ, theo thứ tự ưu tiên, xác định cái nào quan trọng hơn để xây dựng quy trình vận hành phù hợp”, Bộ trưởng Cường nói.

Bão số 13 gây thiệt hại nặng

Bão số 13 khi vào đất liền đã suy yếu, nhưng vẫn gây mưa lớn tại các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế. Tại Hà Tĩnh, từ trưa ngày 15/11, bão số 13 với những trận gió mạnh liên tiếp càn quét. Cùng đó là những trận mưa lớn, khiến lũ trên các sông lên cao.

Theo ông Trần Đức Bá, Giám đốc đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, tới chiều ngày 15/11, mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố lên. Riêng Sông La chịu ảnh hưởng của thủy triều. Trên các sông Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông khoảng từ 1,5 - 4,0m.

Đỉnh lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Sông La có khả năng ở mức dưới mức báo động 1. Có khả năng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi, đặc biệt tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ. Còn tại vùng trũng thấp như thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà có thể bị úng trở lại.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 13 nên trong ngày 16/11, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 50 – 100mm, có nơi trên 150mm.

Cũng trong ngày 15/11, bão số 13 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Bình với sức gió cấp 9, giật cấp 10. Khoảng 8h30’, bão đã vần vũ, tới trưa thì gió giật mạnh liên hồi kèm theo mưa to. Tại thành phố Đồng Hới, kè biển Nhật Lệ bị sạt lở từ trận bão, lũ trước nay tiếp tục lở sâu thêm. Các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch bị thiệt hại nặng nhất trong đợt bão này.

Còn tại tỉnh Quảng Trị, thông tin tới cuối ngày 15/11, có 6 người bị thương, gần 100 nhà bị tốc mái. Những người bị thương do chằng chống nhà cửa tránh bão, trong đó huyện Gio Linh có 3 người, Hải Lăng 2 người và Triệu Phong 1 người. Bão số 13 đã gây mưa lớn tại Quảng Trị, lượng mưa phổ biến từ 60 – 120mm. Riêng vùng ven biển lượng mưa lớn hơn: Tại Hải An (huyện Hải Lăng 167mm); Cửa Việt (huyện Gio Linh 158mm); tại Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh 139mm).

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, bão số 13 đổ bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 9, cấp 11, tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm tốc mái nhiều ngôi nhà, quật đổ nhiều cây xanh, làm nhiều con tàu bị mắc cạn và bị chìm. Theo Thiếu tá Lê Văn Hải - Hải đội trưởng Hải đội 2, khi nhận được thông tin nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn ven biển huyện Phú Vang bị mắc cạn, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành “giải cứu”.

Đà Nẵng: Gần 1 km kè chắn sóng ở cửa biển Đà Nẵng bị phá sập

Ngày 15/11, công nhân môi trường đô thị TP.Đà Nẵng và lực lượng quân đội, công an đã nỗ lực dọn khối lượng rác khổng lồ tấp vào gần 30km bờ vịnh biển (dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành) và hơn 20km bờ biển (dọc trục đường du lịch ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, Trường Sa). Ước tính có hàng chục ngàn tấn rác (chủ yếu là cành, thân gỗ mục) bị sóng đánh dạt vào bờ và tràn lên cả 2 trục đường ven biển phía bắc và phía đông Đà Nẵng.

Theo doisongphapluat.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: