Nỗi lo an toàn hồ đập thủy lợi ở Đắk Lắk trong mùa mưa lũ

Đăng ngày: 22-10-2021 | Lượt xem: 2208
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk hiện có tới 62 công trình thủy lợi bị hư hỏng cần được đầu tư nâng cấp sửa chữa.

Trước tình trạng này, vào mùa mưa lũ, các đơn vị, địa phương ở Đắk Lắk đang phát huy phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Dòng chảy bị thu hẹp, hồ Ea Đrăng phải liên tục xả nước sớm để đón lũ

Từ đầu tháng 9 đến nay, công trình hồ chứa nước Ea Đrăng, ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, phải liên tục xả nước sớm để đón lũ. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH 1TV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo, cho biết, rút kinh nghiệm từ sự cố tràn đập, ngập lụt vùng hạ du năm 2013 do dòng chảy đã bị thu hẹp, nên vào mùa mưa, đơn vị phải phân công người trực 24/24 tại công trình để điều tiết nước, đảm bảo an toàn cho cư dân thị trấn Ea Đrăng.

“Diện tích lưu vực công trình là 58,6km2 mà dung tích chỉ có 1,217 triệu khối, thì dựa vào tình hình dự báo thời tiết mà chi nhánh sẽ điều tiết làm sao cho hợp lý. Bây giờ nếu mà xả khoảng 30 – 40m3/giây thì đã ngập vườn rau của dân rồi, nên là theo thực tế như thế thì chi nhánh thường xuyên phải hạ thấp mực nước xuống để tạo dung tích, đón lũ ở các lưu vực về, tránh ảnh hưởng đến dân”, ông Hiếu nói.

Đập hồ buôn Pu Huê không có tràn xả lũ, nước sẽ tràn qua mặt đường liên xã Ea Ktur - Cư Wi khi lũ về.

Theo dõi sát diễn biến thời tiết, bố trí người trực tại các công trình xung yếu, với phương châm 4 tại chỗ, các địa phương, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi ở tỉnh Đắk Lắk đang chủ động thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.

Ông Trịnh Văn Quang, quản lý công trình thủy lợi hồ buôn Pu Huê, cho biết, đập ngăn nước của công trình được kết hợp làm giao thông, thuộc tuyến đường liên xã Ea Ktur, Cư Wi, Ea Hu của huyện Cư Kuin, nhưng lại không thiết kế tràn xả lũ. Điều này khiến hồ buôn Pu Huê luôn đối diện nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.

Đập tràn bị hư hỏng nặng, hồ Phù Mỹ (huyện Ea H’leo) không thể tích nước.

“Khẩu độ của cống lấy nước kết hợp xả thừa này thì không đảm bảo điều kiện thoát lũ, nên nước không xả hết được buộc phải vượt qua đường, gây mất an toàn cho công trình, đặc biệt là an toàn cho con người lưu thông trên trục đường này”, ông Quang cho hay.

“Vào mùa mưa bão, chúng tôi thực hiện nghiêm túc theo phương án đã được phê duyệt, khi nào có thông báo mưa lũ thì phải cắt cử người trực 2 đầu đường và trực điều tiết công trình, nếu có tình huống xảy ra thì phải đảm bảo an toàn tốt nhất. Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới các cấp các ngành xem xét nghiên cứu để có giải pháp nâng cấp đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình cũng như an toàn cho trục đường giao thông liên xã này”, ông Quang nêu ý kiến.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 785 công trình thủy lợi, phục vụ nước tưới cho hơn 262.000 ha cây trồng các loại (tương ứng khoảng 82% diện tích cây trồng cần tưới). Để đảm bảo an toàn trước mưa lũ, tỉnh đã rà soát, kịp thời sửa chữa 18 công trình trọng điểm, xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sự cố. Tuy vậy, hiện địa phương vẫn có tới 62 đập, hồ chứa nước bị hư hỏng cần nâng cấp sửa chữa với tổng kinh phí trên 360 tỷ đồng.

Bè cỏ phủ gần hết mặt hồ Ea Msen (huyện Cư Kuin), nguy cơ mất an toàn khi lũ về.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Đắk Lắk, do nguồn kinh phí địa phương hạn chế, việc sửa chữa nâng cấp hồ đập hầu hết đều phải xin trung ương hỗ trợ, nên biện pháp hàng đầu để đảm bảo an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ vẫn là phải phát huy phương châm 4 tại chỗ, chủ động ngay từ cơ sở.

“Đối với những đơn vị quản lý khai thác thì phải chủ động bố trí kinh phí sửa chữa tạm thời, đặc biệt là những hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn là phải sửa chữa khắc phục ngay. Ngoài ra, vào mùa mưa lũ thì bố trí người trực 24/24, nếu phải xả lũ thì phải thông báo trước cho người dân được biết. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi tình hình an toàn công trình, báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương cũng như Sở NN&PTNT để có hướng khắc phục ngay”, ông Long khẳng định./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: