Phập phồng lo cây ngã, đường ngập vào mùa mưa

Đăng ngày: 19-04-2022 | Lượt xem: 2660
TP HCM bước vào mùa mưa, kéo theo nỗi lo về các sự cố nguy hiểm như ngã cây, rò rỉ điện, ngập nước...

Dù đã 2 ngày sau khi trụ điện trước nhà ngã xuống đường, bà Đoàn Thị Hồng Nga (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình) vẫn chưa hết sợ mỗi khi nhắc lại vụ việc. Bà Nga kể khoảng 15 giờ 30 phút ngày 16-4, trụ điện trước số nhà 916 Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình bất ngờ bị nghiêng rồi đổ hoàn toàn xuống đường.

"Thấy trụ điện nghiêng dần, tôi vội lao ra đường hô hoán để báo cho người đi đường biết. Chỉ trong tích tắc, trụ điện đã đổ ầm xuống đường, kèm theo là những tiếng nổ lớn, các tia lửa bắn tung tóe xung quanh" - bà Nga kể lại.

Nhiều nỗi lo

Theo bà Nga, thời điểm xảy ra vụ việc, trên đường ít phương tiện di chuyển nên trụ điện không đè trúng người tham gia giao thông. Chỉ có một người đàn ông điều khiển xe máy gần nơi trụ điện đổ vì thắng gấp nên ngã ra đường, sau đó nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm.

"Trụ điện ngã vào người, không chết vì va đập thì cũng chết vì giật điện. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các trụ điện này, nhất là khi TP HCM đã bước vào mùa mưa" - bà Nga đề nghị.

Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM, trước khi xảy ra sự cố tại khu vực trên, Công ty TNHH Điện kỹ nghệ Đại Việt đang đào hố thi công công trình sát với trụ điện bị ngã (cách gần 1 m) trong điều kiện trước đó có mưa lớn, làm trụ điện bị ngã từ từ. Sự cố trên đã gây gián đoạn cung cấp điện cho 101 khách hàng.

Với chị Nguyễn Thị Thu Thủy (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình), sau 2 tháng đầu sống và làm việc tại TP HCM, đã giật mình khi nhận ra con đường về nhà bỗng hóa thành sông trong chiều 16-4.

"Về tới đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), tôi giật mình khi thấy đoạn đường mình đi hằng ngày bị ngập sâu trong nước. Xe chết máy, tôi phải dắt bộ qua đoạn ngập, mất gần 90 phút thay vì 30 phút như mọi ngày để về được đến nhà. Hôm sau còn phải đem xe đi sửa" - chị Thủy kể lại.

Những cơn mưa giông trút xuống TP HCM những ngày gần đây khiến một số người buôn bán trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 nơm nớp lo sợ. Dù hằng năm, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM đều cho công nhân kiểm tra, cắt tỉa để tránh hiểm họa cây xanh bật gốc, gãy đổ vào mùa mưa nhưng hiện tượng cây đổ, cành gãy, có trường hợp làm thiệt hại đến người và tài sản thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Nhiều năm buôn bán trên đường Nguyễn Tri Phương, bà Đỗ Thị Ngọc Hoa (ngụ phường 5, quận 10) không ít lần chứng kiến các vụ cổ thụ bất ngờ bật gốc, ngã đổ sau mỗi trận mưa lớn. "Mỗi khi mưa xuống là thót tim, phải vội vã dọn hàng vào trong. Nhiều cây xanh nhìn chắc khỏe vậy nhưng không biết sẽ ngã xuống lúc nào" - bà Hoa nói.

Cơn mưa chiều 16-4 gây ngập trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP HCM

Chủ động lên kế hoạch bảo đảm an toàn

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, cho biết từ đầu năm 2022, đơn vị đã chủ động lên kế hoạch và triển khai thực hiện để kịp thời bảo đảm an toàn cho người dân khi TP HCM vào mùa mưa.

Cụ thể, tất cả cây xanh do đơn vị này quản lý đã được công nhân kiểm tra, cắt tỉa. Qua đó, kịp thời phát hiện những cây sâu bệnh, có nguy cơ ngã đổ và đưa ra phương án xử lý phù hợp.

Cũng theo ông Vũ Văn Điệp, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM đã tiến hành nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước trên toàn địa bàn thành phố. Toàn bộ đèn điện chiếu sáng cũng đã được kiểm tra, sửa chữa.

"Đây là những việc mà đơn vị chúng tôi thực hiện thường xuyên trong năm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối cùng của mùa khô, chúng tôi tăng cường thực hiện những việc này, bảo đảm an toàn cho hạ tầng của thành phố khi bước vào mùa mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay, khối lượng công việc của cán bộ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM tăng lên rất nhiều. Mọi công tác đều được chúng tôi thực hiện khẩn trương, nghiêm túc" - ông Vũ Văn Điệp cho biết.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết năm nay mùa mưa tại Nam Bộ bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 31-3, sớm gần cả tháng so với các năm trước. Cũng theo ông Quyết, lượng mưa cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay của Nam Bộ đã vượt nhiều lần tổng lượng mưa của cả tháng 3 và 4 hằng năm cộng lại.

Lý giải về nguyên nhân mùa mưa năm nay đến sớm, ông Lê Đình Quyết cho rằng Việt Nam vẫn đang chịu tác động của Enso, cụ thể là hoạt động của La Nina. Mặc dù cường độ La Nina từ cuối năm 2021 đến những tháng đầu năm 2022 không mạnh nhưng cũng có tác động đáng kể, làm cho mưa trong mùa khô nhiều. Mặt khác, năm nay rãnh áp thấp xích đạo đã hình thành ngay từ đầu tháng 3, trên trục rãnh thấp tạo nên những nhiễu động, gây hội tụ gió, ẩm, gây mưa. Dự báo mùa mưa tại Nam Bộ sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 11.

Đề phòng tai nạn

Theo ông Lê Đình Quyết, đầu mùa mưa thường xuất hiện những cơn mưa có cường độ mạnh, thời gian xảy ra nhanh, bất ngờ, mưa thường kèm theo gió giật, sấm sét. Người dân cần đề phòng khi trời mưa, nhất là khi nghe có tiếng sấm, kèm những ánh sáng lóe chớp, cần tìm ngay chỗ trú ẩn an toàn, không đậu xe, ngồi trong xe đậu dưới gốc cây cao, gần cột điện, nhanh chóng tránh xa vật kim loại...

Nước mưa đầu mùa chứa nhiều chất ô nhiễm, không dùng để sinh hoạt, uống, không cho trẻ em tắm lúc trời mưa, không tận dụng lúc đang mưa để rửa xe (nguy cơ bị sét đánh cao), phụ nữ khi đi đường gặp nước mưa ngập đường phải tấp vào đợi nước rút (tránh nguy cơ bị nước mưa chảy mạnh, cuốn vào cống)...

Bài và ảnh: LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/phap-phong-lo-cay-nga-duong-ngap-20220418220118549.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: