Quảng Bình nước lũ dâng làm ngập nhiều nơi

Đăng ngày: 08-10-2020 | Lượt xem: 1637
Ban Chỉ huy TKCN và PCTT tỉnh Quảng Bình cho biết, từ ngày 6-10 đến nay, lượng mưa tại Quảng Bình phổ biến hơn 100 mm, có nơi như Minh Hóa 646 mm, Trường Sơn 534 mm, Kiến Giang 402 mm. Nước trên sông Kiến Giang vượt mức báo động 3, 0,8m, nước sông Gianh xấp xỉ đạt mức báo động 3.

Nước sông Kiên Giang vượt báo động 3, bắt đầu tràn bờ tại huyện Lệ Thủy.

Toàn tỉnh có 30 thôn, bản thuộc bảy xã miền núi, vùng cao bị chia cắt cục bộ do nước lũ dâng cao gây ngập một số đoạn đường, ngầm tràn. Ở vùng hạ lưu các sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ, nước lũ lên cao gây ngập lụt ở một vùng thấp trũng.

Trưa nay có gần 100 ngôi nhà tại “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa nước ngập sâu gần 1m, người dân chủ động di dời tài sản và chuyển sang tránh lũ trên những nhà nổi.

Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn bị ách tắc vì nước lũ dâng cao. Cụ thể, quốc lộ 15 tại ngầm Bùng Km 562+200 và ngầm tràn Km41+980 lũ làm ngập đến 2m; quốc lộ 9B nhiều đoạn nước ngập sâu; đường tỉnh 559B nước ngập 1,5m gây tắc đường; tuyến đường nối từ đồng Hồ Chí Minh đến vùng đồng bào Rục, đường nối quốc lộ 12A vào vùng Lòm… nước ngập hơn 2m. Đến sáng nay, tỉnh Quảng Bình có 268 trường với hơn 87.000 học sinh nghỉ tránh lũ.

Quảng Bình nước lũ dâng làm ngập nhiều nơi -0
 Nước lũ cuộn đổ về vùng hạ du huyện Lệ Thủy. 

Có mặt tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy trong tiết trời mưa như trút vào sáng nay, chúng tôi chứng kiến nước lũ sông Kiến Giang bắt đầu tràn bờ, gây ngập một số nơi. Người dân và các cửa hàng, cửa hiệu ở thị trấn đang chuyển, kê kích tài sản lên cao để chạy lũ hết sức khẩn trương.

Chị Trần Thị Vượng, chủ một cửa hàng ở Kiến Giang cho biết, dù đã nắm tình hình thời tiết trước đó nhưng không ngờ nước sông Kiến Giang dâng cao nhanh như vậy. Chỉ mới sáng, nước dưới thấp, mà khoảng hai tiếng đồng hồ sau đã tràn lên đường. Tuy nhiên, lũ lụt năm nào cũng đến, người chủ động ứng phó cho nên không có thiệt hại gì lớn cả.

Cùng chung suy nghĩ của chị Vượng, ông Lâm, ở xã An Thủy nơi vốn là “rốn lũ” của huyện Lệ Thủy cũng lạc quan khi nghe chúng tôi hỏi về tình hình lũ lụt. Ông nói: “Lũ không xảy ra hay không thì vào thời điểm này, người dân cũng đã chuẩn bị đủ lương thực, mắm muối cả rồi, tài sản có giá trị cũng được đưa lên cao nên chung sống tốt với lũ lụt”.

Theo đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy, sau hai năm liên tiếp không có lũ lụt, năm nay Lệ Thủy đón lũ với tâm thế hết sức chủ động bởi đã có kinh nghiệm nhiều năm. Trong dân cư, phần lớn người dân đều làm nhà kiên cố với nền nhà cao nên ít bị thiệt hại. Huyện chỉ đạo người dân không được đi qua các điểm ngập sâu, vớt củi trên sông dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Các địa phương chủ động lực lượng để ứng cứu di dời cho các gia đình neo người ở các vùng nguy hiểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong nhận định, từ nay đến hết ngày 10-10, khu vực Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp trong toàn tỉnh; đồng thời chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để giảm thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: