Quảng Trị: Huy động mọi giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mưa lũ

Đăng ngày: 09-12-2018 | Lượt xem: 876
(TN&MT) - Ngày 9/12, trước tình trạng mưa lớn vẫn kéo dài, ngập lụt tại nhiều địa phương gây thiệt hại lớn về người và của, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo...
A5

Tại Thành cổ Quảng Trị, mưa lớn đã khiến đoạn bờ kè trước di tích bị đổ sập hư hỏng nặng

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày 8-9/12 tại Quảng Trị đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại các trạm như sau: Trạm Gia Voòng đạt 221 mm, Trạm Khí tượng Đông Hà đạt 407 mm, Trạm Thạch Hãn đạt 383 mm, Trạm Hiền Lương đạt 266 mm... Tính đến 11 giờ ngày 9/12, tình hình mức nước tại một số hồ chứa đều đạt ngưỡng cao như: hồ Triệu Thượng 2 đạt gần 110%, hồ Trung Chỉ đạt trên 117%, hồ Khe Mây đạt trên 110% dung tích thiết kế...
 

A2

Điểm sạt lở đất trên tuyến đường liên thôn của thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong

Trước tình hình trên,chiều 9/12, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn số 2167 về việc triển khai khẩn cấp các giải pháp đảm bảo cơ sở vật chất cũng như tính mạng giáo viên và học sinh như: Đối với những khu vực ngập cục bộ, địa hình bị chia cắt, hoặc có khả năng xảy ra lũ lụt nếu mưa to kéo dài, Sở ủy quyền cho các cơ sở giáo dục, tùy theo tình hình thực tế cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em và giáo viên; triển khai các phương án phòng, chống mưa, lũ, thực hiện phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa, lũ để ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra ở đơn vị mình; kiểm tra, rà soát kỹ các khu vực dễ bị ảnh hưởng, tiến hành tổ chức di chuyển bàn, ghế, hồ sơ, tài liệu, học liệu và trang thiết bị dạy học lên cao để tránh hư hỏng khi ngập lụt…
 

A3

Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị đã đặt dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, tính đến 17 giờ ngày 9/12, mưa lớn đã khiến 2 người chết, 1 người bị thương; 95 nhà bị sập, hư hỏng; 1 điểm trường bị sập, hư hỏng hàng rào; 450 nhà bị ngập cục bộ trung bình từ 0,5-1 m, có nơi sâu từ 1-2 m. Về nông nghiệp, huyện Vĩnh Linh thiệt hại 2 tấn lúa mạ, 31 ha hoa, rau màu bị thiệt hại hoàn toàn trên 70% và 60 ha còn lại thiệt hại từ 50-70%, 26,5 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại trên 50%. Huyện Gio Linh thiệt hại 17 ha mướp đắng tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ. Thành phố Đông Hà hư hại hơn 1.000 chậu hoa và 26 ha rau màu…

Về chăn nuôi, hơn 5.700 con gia cầm bị chết. Về thủy lợi, huyện Vĩnh Linh có trên 17.250 m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng, hơn 1.330 m đê bị sạt trôi, 150 m kè bị sạt, 1 đập bị hư hỏng. Huyện Triệu Phong bị sạt lở đoạn bờ sông đoạn qua khu dân cư thuộc thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long với tổng chiều dài hơn 30 m. Thị xã Quảng Trị bị sạt đoạn kè Thành cổ Quảng Trị với tổng chiều dài 2 đoạn hơn 100 m… Về thủy sản, tỉnh Quảng Trị có trên 165 ha diện tích hồ cá nước ngọt bị vỡ, tràn…
 

A4

Nhiều đoạn bị nước cuốn trôi phần đất đá, chỉ còn trơ trọi phần bê tông bên trên

Trước tình trạng mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng, chiều 9/12, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đã đi kiểm tra thực địa tại những điểm bị ngập lụt, thiệt hại nặng như: Bờ kè của Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; các điểm sạt lở đất trên tuyến đường liên thôn của thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong.

Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, mưa lớn đã khiến đoạn bờ kè trước di tích bị đổ sập xuống hư hỏng nặng, sạt lở với chiều dài trên 100 m, đoạn sạt lở bị ăn sâu vào bên trong gần 2 m. Đoạn sạt lở nằm ngay trên đường, phần hành lang dành cho người đi bộ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đoạn lan can bảo vệ bằng bê tông, ngăn cách với hồ cảnh quan di tích bị đứt gãy, đổ sập xuống nước. Nhiều đoạn bị nước cuốn trôi phần đất đá, chỉ còn trơ trọi phần bê tông bên trên. Hiện trên địa bàn vẫn xuất hiện mưa lớn nên nguy cơ phần hư hỏng, sạt lở sẽ lan rộng. Nhằm đảm bảo an toàn, Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị đã đặt dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, bao vây xung quanh bằng dải nhựa để tránh việc người dân đi vào khu vực bị sạt lở.
 

A5

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành kiểm tra thực địa tại những điểm bị ngập lụt

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Ban Quản lý di tích, chính quyền địa phương cần tiến hành khoanh vùng những khu vực bị sạt lở, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân được biết; đồng thời, có biện pháp xử lý tạm thời phù hợp để bảo vệ tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nghiêm túc triển khai thực hiện tốt phương án chống lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời và hiệu quả…

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: