Quảng Trị làm gì để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm sông Sa Lung?

Đăng ngày: 07-03-2024 | Lượt xem: 1332
Trước thực trạng ô nhiễm sông Sa Lung xảy ra thời gian qua, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị kiến nghị UBND tỉnh lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để cảnh báo khi có ô nhiễm đồng thời yêu cầu các nhà máy phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải.

Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, liên quan thực trạng ô nhiễm sông Sa Lung trong năm 2023, sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh chỉ đạo ngành TN&MT và các đơn vị liên quan kiểm tra, lấy mẫu nước phân tích. Qua đó, xác định có 2 mẫu vượt quá ngưỡng cho phép. Nguyên nhân theo kết luận của đoàn kiểm tra xuất phát từ 2 cơ sở sản xuất.

Một đoạn sông Sa Lung qua xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh.

"Sau khi kiểm tra thực tế ở hai nhà máy của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị và Công ty Cổ phần Bắc Trung Bộ, cơ quan chức năng tiến hành xử phạt và chỉ đạo lắp đặt hệ thống xử lý nước thải…", ông Quảng nói.

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho rằng, thực trạng ô nhiễm trên sông Sa Lung vừa qua cũng có thể có một nguồn gây ô nhiễm khác xuất phát từ chất thải ở các hồ nuôi tôm của người dân trên địa bàn.

Về giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm sông Sa Lung, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở đề nghị UBND tỉnh cho phép lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại sông Sa Lung để khi phát hiện ô nhiễm sẽ kịp thời cảnh báo, gửi kết quả về cho chính quyền địa phương nhằm thông báo người dân ngừng sản xuất tôm.

"Về lâu dài, theo luật bảo vệ môi trường, các nhà máy phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Trường hợp không thực hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", lãnh đạo Sở TN&MT Quảng Trị cho biết.

Vừa qua việc ô nhiễm sông Sa Lung gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt đề cương nhiệm vụ đánh giá tổng thể nguồn thải, sức chịu tải và giải pháp quản lý bền vững môi trường nước sông Sa Lung với phạm vi thực hiện gồm lưu vực sông chính Sa Lung và 2 phụ lưu kênh Bạc Bài và khe Lại Hai.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xác định đặc điểm các nguồn nước, hiện trạng các nguồn thải, tỉ lệ ảnh hưởng của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhận định nguyên nhân dẫn đến sự cố trên sông và xây dựng bộ dữ liệu phục vụ quản lý các nguồn gây ô nhiễm trên sông Sa Lung.

Đồng thời, xác định được tải lượng ô nhiễm hiện có của từng đoạn sông, từ nhiều nguồn thải đổ vào các đoạn sông để đề xuất các giải pháp kiểm soát bền vững chất lượng nước, bảo vệ nguồn nước sông Sa Lung.

Trước đó, Báo Sức khỏe & Đời sống phản ánh, sông Sa Lung có chiều dài khoảng 59 km, đóng vai trò trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long… thuộc huyện Vĩnh Linh.

Tuy nhiên, thời gian qua, nước sông này có dấu hiệu bị "bức tử" gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Trước thực trạng nước sông bị ô nhiễm, người dân nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Đại diện Chi Cục thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Trị) cho biết, sông Sa Lung tiếp nhận một số nguồn thải từ quá trình chăn nuôi, sinh hoạt của người dân dọc hai bờ sông. Ngoài ra, còn có nước mưa chảy tràn cuốn theo các chất thải bề mặt đổ vào lưu vực sông và nước thải sản xuất phát sinh của nhà máy cao su.

Kết quả lấy mẫu giám sát vào tháng 10/2023 cho thấy, phần lớn các thông số thực hiện quan trắc môi trường nước sông nằm trong giới hạn quy định, ngoại trừ một số thông số vượt giới hạn quy định...

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-tri-lam-gi-de-ngan-chan-tinh-trang-o-nhiem-song-sa-lung-169240307130001133.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: