Sạt lở bất thường tại nhiều địa phương

Đăng ngày: 17-11-2021 | Lượt xem: 4057
Chỉ trong thời gian ngắn, qua vài đợt mưa, tại Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng... xuất hiện hàng loạt vụ sạt lở đất nguy hiểm

Sáng 16-11, núi Cấm - khu vực thuộc thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) tiếp tục bị sạt lở một vệt dài. Một lượng lớn đất, đá đổ ập xuống sát nhà dân dưới chân núi. Trước đó, chiều 15-11, 75 hộ với trên 300 nhân khẩu ở thôn Chánh Thắng đã được chính quyền địa phương di dời khẩn cấp do một vụ sạt lở khác.

Vùi lấp các tuyến đường trọng yếu

Ông Nguyễn Đức Chiêu, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết điểm sạt lở xảy ra trên đỉnh núi Cấm ở độ cao 300 m, sâu 3 m, với lượng đất đá sạt lở hơn 6.000 m3. Hiện trường sạt lở cách khu dân cư chỉ khoảng 30 m.

Tương tự, chiều 14-11, tại khu vực đèo Bà Nam (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) cũng xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp tuyến đường và ôtô khách đang chạy qua khu vực này. Cơ quan chức năng đã tạm phong tỏa Tỉnh lộ 639 đoạn qua đèo Bà Nam để khắc phục sự cố. Theo UBND huyện Phù Mỹ, ngoài vị trí sạt lở đè trúng xe khách, đoạn qua đèo Bà Nam còn có 6 điểm sạt lở núi khác.

Sáng cùng ngày, tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, mưa lớn kéo dài khiến đất đá, cây cối từ trên núi bị sạt lở, đổ ập xuống gây hỏng nặng 2 nhà dân. Cũng trong thời điểm này, tại núi Vũng Chua, đoạn sát Quốc lộ 1D thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn cũng xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Tại Khánh Hòa, ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Khánh Hòa - nhà thầu thi công bảo trì và sửa chữa đường bộ Quốc lộ 27C, Quốc lộ 26 và một phần Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, cho biết tình trạng sạt lở trên các đèo như Khánh Lê, Phượng Hòa thường xuyên xảy ra. Mới đây nhất ngày 11-11, tại km 55+500 đèo Khánh Lê (đường Nha Trang - Đà Lạt) bị sạt lở nghiêm trọng. Theo đánh giá của ông Đoàn là lớn nhất từ trước đến nay. Hiện trường vụ sạt là một lượng lớn đất đá từ trên núi đổ xuống, chắn hết đường. Đất đá tràn ra mặt đường, lấp cống... Ước tính có khoảng hơn 9.000 m3 đất đá tràn lấp xuống đường. Khu vực này có địa hình đất, rừng nên thường xuyên xảy ra các vụ sạt kéo dài nhiều năm nay.

Ngày 16-11, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp chỉ đạo kiểm tra hiện trường, tiến độ khắc phục sự cố sạt lở đất nghiêm trọng tại đường Khe Sanh vào ngày 12-11. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá đây là sự cố sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới an toàn, cuộc sống của nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực. Hiện tại nguyên nhân vụ sạt lở vẫn chưa xác định.

Sạt lở nghiêm trọng ở đèo Khánh Lê (tỉnh Khánh Hòa) vào ngày 11-11Ảnh: Hoàng Lê

Thiên tai ngày càng khó lường

GS-TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và khó lường.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn trung bình mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất. Khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất tập trung tại vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Điển hình trong năm 2020, "bão chồng bão", "lũ chồng lũ", mưa lớn kéo dài nhiều ngày phổ biến từ 1.000-2.000 mm, có nơi trên 3.000 mm tại khu vực miền Trung gây lũ lớn, lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng, đặc biệt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều năm qua tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và nhiều khu vực khác đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản.

GS-TS Trần Hồng Thái cho biết thông tin cảnh báo sạt lở, trượt lở đất đã được đưa trong các bản tin dự báo thời tiết để các địa phương, người dân chủ động có phương án đối phó, đề phòng. Tuy nhiên các thông tin cảnh báo, dự báo vẫn chưa được tích hợp đầy đủ, có hệ thống; việc cảnh báo còn nhiều hạn chế, mới cảnh báo đến cấp huyện, chưa có cảnh báo cấp xã, cảnh báo điểm, diện…

Cảnh báo theo thời gian thực

Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị chủ trì đề án "Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam", cho biết khoảng 70% khối lượng kết quả công tác điều tra tình trạng trượt lở, các thông tin liên quan đến địa chất, địa mạo, địa hình, đặc điểm đới phá hủy, địa chất thủy văn, địa chất công trình… đã được hoàn thiện. Đây là cơ sở để Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra các điều tra đánh giá tổng hợp, xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ có độ tin cậy cao.

Đề án có mục tiêu tổng quát là xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thiên tai hiện đại, thống nhất liên ngành, phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét, tiến tới cảnh báo theo thời gian thực tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Theo Báo Lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: