Sạt lở nghiêm trọng ngay trong mùa khô, đồng bằng Sông Cửu Long "kêu cứu"

Đăng ngày: 30-05-2019 | Lượt xem: 961
Tháng 5/2019, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong mùa khô, chớm sang mùa mưa, nhưng nhiều địa phương đã phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng người dân.

Tại TP. Cần Thơ, tình hình sạt lở đã và đang diễn biến phức tạp. Đáng  kể nhất là vụ sạt lở diễn ra vào 15/4, đoạn sông tại ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đã xảy ra vụ sạt lở với chiều dài khoảng 30m, cuốn trôi 4 căn nhà xuống dòng nước, gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Tiếp đó, vào 24/4, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã xảy ra sạt lở bờ sông vào rạng sáng, tại khu vực đang thi công bờ kè sông Ô Môn. Đoạn sạt lở dài 60m, sâu vào bờ 5m đã khiến 11 căn nhà và một trụ điện rơi xuống sông. Người dân trong khu vực đang rất hoang mang, bởi địa điểm này đã từng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng vào năm 2018, tức nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục tái diễn.

Sạt lở nghiêm trọng tại phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN

Ở khu vực tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2019 tới nay đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại 11 điểm, trong đó có 10 điểm ở huyện Châu Thành, làm mất trên 1.000m2 đất.

Khu vực Tứ giác Long Xuyên cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Theo đó, tại Đồng Tháp, ngày 3/5 vừa qua, vụ sạt lở bờ sông Tiền thuộc khóm Sở Thượng, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, đã cuốn trôi một nhà dân xuống dòng nước trong đêm, cướp đi tính mạng của một cụ bà 90 tuổi.

Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng đang gặp thách thức nghiêm trọng: Có tới 195km bờ biển bị sạt lở, trong đó 35km bị sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là khu vực Tiểu Dừa và Kim Quy khi để biển sạt lở, kè tạm bợ có thể bị sóng đánh vỡ bất cứ lúc nào. Người dân cho biết, dù muốn chuyển tới nơi khác cho an toàn, nhưng di dời thì không có tiền mua đất. Trong khi đó, chính quyền địa phương hiện cũng không có quỹ đất để tổ chức di dời. Hiện tại, khu vực bờ biển các huyện An Minh, An Biên đang xảy ra sạt lở nặng nề.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết: Kinh phí địa phương hạn hẹp, nhưng nếu không xây kè kiên cố, tình trạng sạt lở sẽ không chỉ ảnh hưởng tới người dân sống cạnh biển mà còn đe dọa các khu dân cư ở sâu bên trong khi nước biển tràn vào. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cấp vốn xây đê, kè kiên cố, báo chí cũng phản ánh liên tục nhưng chưa được chấp thuận.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện ĐBSCL có tổng cộng 326 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km, trong số đó có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km. Đáng chú ý, tốc độ sụt lún trung bình ở khu vực này đã lên tới hơn 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Để ứng phó với tình trạng trên, Chính phủ vào tháng 4/2019 đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg kèm theo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Thủ tướng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương là tổ chức giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất ĐBSCL; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai các mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo congluan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: