Thanh Hóa: Hạn hán kéo dài, hàng nghìn ha lúa có nguy cơ bị xóa sổ

Đăng ngày: 16-07-2020 | Lượt xem: 1880
Do thời tiết nắng nóng kéo dài suốt khiến hàng trăm hồ, đập chứa nước phục vụ tưới tiêu đã cạn kiệt. Nếu trời không có mưa, không có biện kháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất như hiện nay hàng nghìn ha lúa sẽ bị xóa sổ

Thiếu nước sản xuất nghiêm trọng

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa dự kiến xuống giống khoảng 116.000 ha lúa, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có khoảng hơn 9.000 ha lúa được gieo cấy. Trong đó, nhiều diện tích bị chết khô vì nắng nóng. Hạn hán không chỉ khiến người dân thiếu nước sản xuất mà còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều giếng khoan cũng trong tình trạng khô cạn.

Hiện tại toàn tỉnh có 214 hồ đập nhỏ xuống dưới mực nước chết. Điều này khiến nhiều địa phương như huyện Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương … thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn thì hàng nghìn ha lúa của người dân sẽ bị xóa sổ.

Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại thôn 3, xã Tế Nông, huyện Nông Cống đang loay hoay tìm cách bơm dẫn nước vào diện tích lúa đang khô héo chia sẻ, vụ mùa năm nay, gia đình anh gieo cấy 1 mẫu ruộng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, 50% trong số này đã bị chết hoàn toàn hoặc nằm trong tình trạng ngắc ngoải. Có đến khoảng 4 – 5 sào lúa đã chết rụi, không thể cứu vãn.

Anh Sơn tuyệt vọng nhìn ruộng lúa nhà mình nứt nẻ, chết rụi.

Ông Vũ Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Nông Cống cho biết: Tới thời điểm này, toàn huyện có tới khoảng trên 300 ha nguy cơ bị hạn nặng. Nếu trong vòng khoảng 2 tuần tới, trời vẫn không cho mưa số diện tích này sẽ tăng lên đến con số trên 2.000 ha.

“Để đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, biện pháp duy nhất của chúng tôi là yêu cầu các xã tích cực nạo vét kênh mương, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến, chống hạn cục bộ”, ông Tùng cho biết thêm.

Tại huyện Quảng Xương, tình trạng hạn hán còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến việc sản xuất của người dân. Theo thống kê, vụ mùa năm nay huyện này gieo cấy gần 7.000 ha lúa. Đến thời điểm hiện tại đã gieo cấy được 6.700 ha nhưng tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có tới hơn 800 ha lúa nằm trong tình trạng bị hạn nặng. Đặc biệt là các xã ven sông Hoàng và sông Lý bị xâm mặn nghiêm trọng, không thể bơm nước vào đồng ruộng.

Ông Lê Đại Hiệp – Trưởng phòng NNPTNT huyện Quảng Xương lo lắng: “Nếu trong 1 tuần tới vẫn không có mưa, toàn huyện sẽ có 100ha lúa mùa bị mất trắng do hạn và mặn xâm thực”. UBND huyện Quảng Xương đã phải chi 240 triệu đồng hỗ trợ các địa phương và mua 4 máy chạy dầu để “vét nước” cứu lúa.

Nhiều kênh mương cạn nước, các trạm bơm không thể hoạt động

Một số xã như Phú Nhuận, Mậu Lâm, Xuân Thái của huyện Như Thanh, hàng trăm ha ruộng mạ đã già tuổi nhưng chưa được cấy, lá đã cháy sém; nhiều cánh đồng trơ gốc rạ, khô khốc, không có nước cấy. Toàn huyện có 105 hồ nước thì có 91 hồ đã cạn kiệt. Các địa phương đã phải vận hành 113 máy dầu bơm nước chống hạn.

Theo kế hoạch vụ thu 2020, xã Mậu Lâm gieo cấy trên 380 ha lúa, nhưng đến nay mới gieo cấy được 322 ha dù lịch thời vụ đã kết thúc. Diện tích gieo cấy được của xã Mậu Lâm cũng đang có trên 300 ha thiếu nước dưỡng.

Chính quyền xã Mậu Lâm cũng đã có kế hoạch chuyển đổi một số diện tích không cấy lúa sang trồng ngô, đậu, hoa màu, nhưng nếu không có mưa thì cũng không thể trồng trỉa được.

Hàng trăm hồ, đập đã xuống mực nước chết

Triển khai nhanh chóng các giải pháp chống hạn

Đứng trước tình trạng cấp bách trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Thanh Hóa khuyến cáo các địa phương tập trung chỉ đạo cấp nước phục vụ tưới dưỡng cho diện tích lúa đã gieo cấy; đồng thời cấp nước cho diện tích đang chờ nước để bà con nông dân tiến hành làm đất và gieo cấy. Kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước.

Đối với việc thực hiện các giải pháp chống hạn, các địa phương và đơn vị thủy nông tiếp tục triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước và kênh trữ nước trên địa bàn đã trữ nước, duy trì các đập tạm ngăn giữ nước trên kênh tiêu, sông nội địa để dâng nước cho các trạm bơm hoạt động. Đối với vùng tưới bằng bơm điện, căn cứ vào tình hình thực tế nạo vét bể hút và nối dài ống, lắp đặt máy bơm có cột nước cao, duy trì các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm để vận hành các trạm bơm…

Cách tốt nhất hiện nay là chủ động túc trực nguồn nước, triển khai bơm dã chiến

Theo thống kê, tình trạng thiếu nước, khô hạn đối với diện tích sản xuất nông nghiệp đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Tính đến ngày 13/7, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước lên tới 8.269 ha. Trong đó, diện tích thiếu nước làm đất, gieo cấy là 1.521 ha, diện tích thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy là 6.384 ha, diện tích thiếu nước không thể sản xuất lúa mà phải chuyển sang trồng các loại cây khác là 364 ha.

Ông Vũ Quang Trung – Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Thanh Hóa, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.080 ha chưa thể gieo cấy được vì khô hạn. Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước ở một số nơi có mưa để gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc lúa đã gieo cấy để đảm bảo diện tích. Ngoài ra, sở cũng khuyến cáo bà con cần tính toán nếu diện tích nào chưa gieo cấy được thì chuyển đổi sang trồng một số loại cây ngắn ngày khác.

Theo congly.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: