Thiên tai tại miền Trung - Tây Nguyên: 10 người chết và mất tích, nhiều hộ dân vẫn phải di dời tránh lũ

Đăng ngày: 05-12-2020 | Lượt xem: 1979
Cho đến hôm nay (5/12), nhiều địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa. Hàng chục hộ dân đang bị ngập. Nhiều gia đình phải đi tránh lũ, chưa thể trở về nhà ổn định lại cuộc sống.

Mưa kéo dài gây ngập một tuyến đường. Ảnh minh họa.

Số liệu quan trắc cho thấy, từ 19h ngày 1/12 đến 19h ngày 4/12, tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 40 - 70mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: A Lưới (Thừa Thiên Huế) 111mm; Hồ Truồi (Thừa Thiên Huế) 101mm; Tiên Phong (Quảng Nam) 87mm; Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 75mm.
Mưa liên tục khiến mực nước các hồ chứa thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc vẫn dao động ở mức cao. Đơn cử như mực nước trên sông Krong Ana (Đắk Lắk) tại Giang Sơn thời điểm gần nhất đo được là 422,35m (trên báo động 2 là 0,35m)…
Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, đã có 8 người chết (Khánh Hòa 5 người, Lâm Đồng 2 người, Đắk Lắk 1 người), và 2 người còn đang bị mất tích (Khánh Hòa 1 người, Đắk Lắk 1 người).
Ngập lụt vẫn tiếp diễn tại Đắk Nông. Đến sáng nay (5/12), vẫn còn 4/6 thôn thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô của tỉnh này bị ngập úng. 60 hộ đang tiếp tục phải di dời tránh lũ. Hàng trăm hộ dân vẫn bị ngập. Giá trị thiệt hại riêng đối với Đắk Nông ước tính khoảng 30 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích, di dời hộ dân khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức khắc khắc phục hậu quả, cử người canh gác 24/24h, bố trí hệ thống đèn cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực bị sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân...
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, trước diễn biến thiên tai còn phức tạp, Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại công văn số 533/VPTT, 542/VPTT và mới đây nhất là 548/VPTT ngày 4/12 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai trên tinh thần không chủ quan, lơ là…
Theo kinhtedothi.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: