Tiền Giang: Bảo vệ an toàn các vùng sản xuất trọng điểm trước tình trạng hạn mặn

Đăng ngày: 20-03-2024 | Lượt xem: 1578
Mùa khô 2023-2024, Tiền Giang đầu tư làm 7 cống ngăn mặn trên đầu các kênh, rạch thông ra sông Tiền nhằm phòng, chống triều cường và xâm nhập mặn, trữ ngọt phục vụ cho các vùng sản xuất trọng điểm.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) sẽ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Hiện nay, mặn đang lấn sâu về phía thượng lưu sông Tiền, đe dọa trực tiếp đến trên 22.000ha vườn cây ăn quả phía Tây tỉnh Tiền Giang gồm huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, trong đó có hàng chục nghìn ha sầu riêng chuyên canh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, các điểm đo mặn cố định trên sông Tiền đều cho thấy độ mặn tăng cao.

Cụ thể, trong ngày 19/3, tại điểm đo phà Tam Bình (huyện Cai Lậy), độ mặn là 0,21 gr/lít, tăng 0,06 gr/lít so với ngày hôm trước; tại điểm đo phà Thới Lộc (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy), độ mặn là 0,16 gr/lít, tăng 0,11 gr/lít so với ngày hôm trước.

Tại đầu các kênh, rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864, tỉnh đã cho đóng các cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành, Cầu Cống, Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Cồng, Hai Tân; còn hai cống Mù U, Cái Sơn trên địa bàn huyện Cai Lậy đang vận hành lấy nước ngọt khi có điều kiện.

Nhà vườn ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang áp dụng hệ thống phun sương để tưới rau tiết kiệm nước nhằm bảo vệ sản xuất trong mùa khô. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Thực hiện Dự án đê bao Đông-Tây Ba Rày để bảo vệ trên 8.300ha đất canh tác của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, Chi nhánh thủy nông Cai Lậy-Cái Bè (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang) đã cho đóng 2 cống: Giồng Tre 2 và Cầu Kênh; các cống Bầu Điền, Vàm Tắc II, Ông Tùng, Vàm Tắc I vận hành xả nước giải quyết môi trường.

Các cống còn lại đang vận hành tự do nhằm tranh thủ thời cơ lấy ngọt, trữ trong nội đồng, chống hạn và phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.

Theo ông Trần Minh Hữu, Giám đốc Chi nhánh thủy nông Cai Lậy-Cái Bè, trong những ngày tới, tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào đợt triều cường mới, trùng thời điểm Rằm tháng 2, dự báo mặn sẽ có thể còn xâm lấn sâu hơn, uy hiếp các vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Tây tỉnh.

Do vậy, đơn vị đang tăng cường cán bộ kiểm tra, đo độ mặn, theo dõi diễn biến xâm nhập mặn hàng giờ trong ngày để có biện pháp ứng phó phù hợp, không để ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống.

Huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy cũng đang triển khai nhanh các phương án ứng phó triều cường và xâm nhập mặn; chú trọng gia cố, tôn cao bờ bao, đê bao ngăn mặn, kết hợp trữ ngọt trong ao mương vườn; vận động người dân ra quân làm thủy lợi nội đồng trữ nước để phòng, chống hạn mặn, kết hợp với giữ vệ sinh nguồn nước, chống ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Để bảo vệ 15.700ha vườn cây ăn trái, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1, trong đó có hơn 9.000ha vườn chuyên canh sầu riêng, huyện Cai Lậy đã đầu tư gần 5,5 tỷ đồng nạo vét 45 tuyến kênh mương nội đồng, tổng chiều dài trên 46.000m, khối lượng đất đào đắp trên 157.000m3, để lấy nước tưới tiêu, phòng chống hạn.

Địa phương cũng đắp 10 đập ngăn mặn, sửa chữa 44 cửa cống, thi công 8 cống mới, tổ chức các điểm đo mặn, tuyên truyền nhân dân chủ động ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Ủy ban Nhân dân huyện Cai Lậy còn triển khai phương án vận hành 17 giếng nước tầng sâu dự phòng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tại địa phương.

Các xã cù lao trên sông Tiền như Tân Phong và Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trong những ngày qua cũng đắp 21 đập tạm ngăn mặn ứng phó đợt triều cường và xâm nhập mặn cao điểm sắp tới, bảo vệ gần 3.000ha vườn sầu riêng đặc sản tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Cai Lậy Võ Thị Búp, trong trường hợp hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, địa phương tổ chức bơm chuyền, chống hạn, bảo vệ khoảng 300ha cây ăn quả, chủ yếu là cây sầu riêng tại các xã Phú Quí, Nhị Quí và vùng lân cận.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt mặc dù vẫn trong quá trình thi công. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Trước đó, nhằm bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm tại địa phương, trong mùa khô 2023-2024, Tiền Giang đầu tư làm 7 cống ngăn mặn trên đầu các kênh, rạch thông ra sông Tiền nhằm phòng, chống triều cường và xâm nhập mặn, trữ ngọt phục vụ cho các vùng sản xuất trọng điểm là: vùng dự án Bảo Định, vùng Đồng Tháp Mười và vùng trồng sầu riêng đặc sản phía Tây tỉnh.

Ngoài ra, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến hộ dân những biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn như tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc phân bón trung vi lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ ủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm; khuyến khích bà con nhân rộng những mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao hoặc thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, từ nay đến tháng 8/2024, dự báo trên sông Tiền còn xuất hiện khoảng 4 đợt triều cường. Trong số đó, đợt triều cường từ ngày 9 đến 12/4, mực nước sẽ cao hơn báo động 3. Tại các đợt triều cường còn lại, mực nước ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân các huyện, thị nói chung, vùng phía Tây tỉnh nói riêng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh, rạch và trong nội đồng, nhằm kịp thời ứng phó hữu hiệu, quyết tâm bảo vệ an toàn các vùng sản xuất trọng điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-bao-ve-an-toan-cac-vung-san-xuat-trong-diem-truoc-tinh-trang-han-man-post935561.vnp

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: