Tiền Giang: Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 26-12-2018 | Lượt xem: 996
(TN&MT) - Do có sự chủ động, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp theo phương châm “4 tại chỗ” nên đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại thiên tai...
t1

Tình hình sạt lở còn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong năm 2018, tình hình mưa bão, áp thấp nhiệt đới diễn biến tương đối thuận lợi không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh nhưng các loại hình thiên tai khác như: triều cường, lốc xoáy, sạt lở bờ biển, bờ sông, kênh, rạch thường xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, do có sự chủ động, tập trung cao độ về công tác phòng, chống nên đã khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất. Tỉnh Tiền Giang đã ưu tiên đầu tư mạnh mẽ các công trình chống sạt lở, triều cường, đầu tư mới các cống phục vụ tưới tiêu, đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước, phòng chống thiên tai góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành tỉnh đã chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả với nhiều tình huống khác nhau. Riêng với các địa phương tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy, rà soát các phương án, xây dưng kế hoạch tu bổ các công trình trọng điểm, xung yếu; bố trí lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thiên tai ở địa phương.

Trong năm 2018, Tiền Giang đã đầu tư gần 504 tỷ đồng cho công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai. Trong đó, xử lý 110 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 24,1km; tổ chức thi công 37 công trình phòng chống hạn mặn, chiều dài 93,3km. Ngoài ra, tổ chức 1.960 lớp tập huấn, lồng ghép cuộc họp để tuyên truyền về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

t2

Nhiều tuyến đê kè đã được đầu tư xây dựng

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 ở khu vực Tiền Giang xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2018, biên mặn 2,0 - 3,0g/l có khả năng xâm nhập cách cửa sông khoảng 50km về thượng nguồn. Cạnh đó, năm 2019 nhiều khả năng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Biển Đông sẽ nhiều hơn năm 2018.  

Để chủ động đối phó với thiên tai trong năm 2019, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đưa ra nhiều biện pháp phòng chống. Trong đó, chú trọng đến việc thực hiện đầy đủ phương châm “4 tại chỗ” và phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Đối với các huyện phía Đông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã cù lao, vùng ven biển kiến thức về phòng chống thiên tai và các biện pháp đề phòng nhà cửa, cây cối đổ ngã khi có gió bão, triều cường làm ngập nhà ở, kho tàng... ở các vùng đất thấp ven biển, cửa sông, cù lao.

Đối với các huyện phía Tây, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư, các hộ dân thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tham gia nâng cấp, duy tu, sửa chữa đê bao nằm trong khu đất do mình quản lý, sử dụng theo phương châm phòng là chính. Thường xuyên ra quân thực hiện trục vớt lục bình trên các tuyến kênh, rạch…

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: