Tin ĐBSCL: Xâm nhập mặn đạt đỉnh

Đăng ngày: 12-03-2020 | Lượt xem: 2682
Đến nay, 5 tỉnh ở ĐBSCL đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn. Theo dự báo, từ ngày 11/3, ĐBSCL bước vào đợt xâm nhập mặn gay gắt, vượt mức năm 2016, năm hạn mặn kỷ lục.

Hạn, mặn đạt đỉnh ở ĐBSCL (Ảnh minh họa)

Hạn mặn lên đỉnh

Cụ thể, xâm nhập mặn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 11-13/3, từ ngày 14-20/3, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương và một số trạm cao hơn đợt mặn ngày 10-13/02, cũng như cùng kỳ năm 2016. Đây có thể là đợt mặn cao nhất của năm 2020 ở một số trạm trên địa bàn các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang

Dự báo từ nay đến cuối tuần, ranh mặn 4gram/lít trên sông Cái Lớn sẽ xâm nhập vào 55 - 58km tính từ cửa biển. Trên hệ thống sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn vào sâu nhất là sông Hàm Luông, từ 68-80km. Còn trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có thể vào sâu đến 110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62 - 65km.

Để ứng phó với đợt mặn cao điểm này, người dân các địa phương đã hạn chế tưới nhằm giảm thiệt hại sản xuất. Diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới bà con chủ động kiểm tra nồng độ mặn. Người dân tiếp tục mua nước ngọt từ các sà lan để tưới cho vườn sầu riêng, tuy giá cao từ 150 - 200 đồng/m3.

Với nước sinh hoạt, nhiều nơi mở vòi nước công cộng miễn phí phục vụ cho các vùng khó khăn. Các tổ chức, đoàn thể như Hải Quân vùng 2, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng các địa phương tiếp tục chuyển nước ngọt, hỗ trợ dụng cụ chưa nước, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.

Cùng với đó, người dân ĐBSCL luôn theo dõi sát nguồn nước ngọt, để khi có nước ngọt bà con sẽ lấy ngay vào kênh rạch dự trữ. Nhiều vùng khó khăn, người dân cũng chuyển sang canh tác cây trồng chịu hạn mặn, hiệu quả cao hơn. Đối với các lồng bè, thủy sản, bà con không nên thả giống khi độ mặn tăng cao.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong giai đoạn 10 ngày tới, mực nước thượng lưu sông Mê Công biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,8m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,30m; tại Châu Đốc 1,45m tương đương cùng kỳ năm 2016.

Làm tốt cảnh báo

Hạn, mặn đang gây thiệt hại về kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Tây. Theo Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, tình hình hạn, mặn năm nay gay gắt và khốc liệt hơn cả đợt lịch sử năm 2015- 2016.

Theo ông Thiện, năm nay phải ca ngợi ngành nông nghiệp vì họ đã làm khá tốt về cảnh báo. Về lâu dài để giải quyết bài toán hạn mặn ở ĐBSCL, thứ nhất phải tách chuyện nước sinh hoạt và sản xuất ra làm riêng biệt, không nhập nhằng như trước đây nữa.

Trước đây, mình cứ nói ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cái này rất không ổn. Nước ngọt để sản xuất thì làm sao sử dụng được cho sinh hoạt, vì thuốc trừ sâu, ô nhiễm.

Tổng nhu cầu nước ngọt vùng ven biển là 100%, nhưng nước sinh hoạt chỉ 5%, lâu nay không tách ra nên dẫn đến tình trạng không đáp ứng được cái nào cả. Bây giờ tách ra đi, 5% nước sinh hoạt mỗi hộ có thể làm ao chứa nước hay áp dụng các công nghệ nano, dùng túi vải địa chất để chứa.

Song, ao nước ngọt dùng cho sinh hoạt phải cách biệt, an toàn. Từ lâu dân sống ở vùng mặn đã quen, nhà nào cũng ít nhất cả chục lu, hồ xi măng… để chứa nước ngọt. Tách nhu cầu riêng, không vì cái nọ mà làm cái kia, lấp công trình lung tung.

Cũng theo ông Thiện, nên dừng làm lúa trái vụ ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên để mùa nước có chỗ nước lũ vào, đồng ruộng hấp thu nước. Khi mùa khô nước từ từ rỉ ra bổ sung giúp cho vùng cửa sông cân bằng mặn, ngọt.

Còn theo TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL, về lâu dài, ĐBSCL phải tiếp cận 1 cách tổng thể, phối hợp liên ngành.

Nghị quyết 120 đã có, đó là tầm nhìn dài hạn, là tư duy thích ứng thuận thiên, phát huy kinh nghiệm truyền thống bản địa. Cái đó mới là 1 cái khung, tạo thuận lợi cho người dân. Cần phải có đầy đủ các thông tin khoa học, cơ quan chức năng phải có cảnh báo sớm để người dân dịch chuyển.

Bằng kinh nghiệm thì giờ quy luật của lũ, hạn, mặn đã thay đổi. Đơn cử, năm 2016 ghi nhận 100 năm mới có trận hạn, mặn lịch sử, thì nay sau 4 năm đã lập lại. Điều đó chứng tỏ quy luật đã thay đổi, đang diễn biến xấu hơn, nhanh hơn.... Phải có cảnh báo sớm để người dân thích ứng, né hạn, mặn để được lợi.

Phải đồng bộ hạ tầng, nhất là nông nghiệp; nâng cao năng lực, nếu trước đây bằng kinh nghiệm sản xuất, truyền thống bây giờ phải bước sang kinh tế tri thức, người dân phải nắm được thông tin. 

Theo kinhtenongthon.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: