Tình hình thiên tai tại khu vực Trung Trung Bộ trong năm 2020

Đăng ngày: 20-03-2021 | Lượt xem: 2045
Tình hình thiên tai tại khu vực Trung Trung Bộ trong năm 2020

Khu vực Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có diện tích 34.833,1km2, dân số tính đến 2019: 6.519.415 người (chiếm 10.5% diện tích, 6.8% dân số cả nước). Đây là khu vực có địa hình rất phức tạp, phía đông là biển, phía tây là núi, dọc theo bờ biển có nhiều cồn cát án ngữ, thời tiết khá khắc nghiệt- từ đang khô hạn có thể chuyển sang ngập lụt và ngược lại trong mùa mưa lũ cũng có thể xảy ra tình trạng hạn hán. Trung Trung Bộ cũng là khu vực có vị trí địa lý quan trọng về quốc phòng an ninh, giao thông (đường bộ, cảng biển) và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Khu vực Trung Trung Bộ (TTB) có mạng lưới sông suối rất phức tạp, các sông đều bắt nguồn từ những vùng núi cao của dãy Trường Sơn và đổ ra Biển Đông. Trên toàn khu vực có 5 hệ thống sông lớn, gồm: Sông Gianh, sông Thạch Hãn, Sông Hương, Thu Bồn- Vu Gia và hệ thống sông Trà Khúc, vào mùa lũ các hệ thống sông này cùng các hệ thống sông nhỏ khác thường gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng hạ lưu và lũ quét vùng thượng lưu. Hầu hết các sông ở khu vực TTB đều ngắn và có độ dốc lớn. Vì vậy, dòng chảy lũ thường rất ác liệt, nhưng trong mùa cạn lại rất nghèo nàn.

Bão, lũ  là hai hiện tượng thiên tai nguy hiểm nhất, thường xuyên uy hiếp đến các địa phương trong khu vực TTB. Hầu như, không có năm nào là khu vực TTB không chịu ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ. Với dải bờ biển dài hơn 600km (Quảng Bình- Quảng Ngãi), là nơi thường xuyên bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt năm 2020, thiên tai ảnh hưởng nặng nề nhất đến khu vực TTB từ trước đến nay. Liên tục trong hơn 1 tháng, các loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất) liên tiếp xuất hiện gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân trong vùng.

Bão

Khu vực TTB là một trong những khu vực hàng năm chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất trong cả nước. Hầu hết các cơn bão hoạt động trên Biển Đông đều có ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội (KTXH) của nhân dân trong khu vực này. Trung bình hàng năm có khoảng  2 - 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, trong đó có khoảng 1 cơn đổ bộ trực tiếp và đất liền, tuy nhiên cũng có năm có đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp và 3 cơn đổ bộ vào đất liền. Bão ảnh hưởng nhiều nhất đến khu vực TTB thường xuất hiện vào thời gian từ tháng 9-12, nhiều nhất là tháng 10, 11. Tuy nhiên có trận bão xuất hiện vào tháng 5, 6 cũng đổ bộ trực tiếp vào khu vực TTB, như cơn bão CECIL (số 2) ngày 25 tháng 5 năm 1989.

Khu vực TTB cũng là nơi hứng chịu sự tàn phá ác liệt của nhiều cơn bão có cường độ rất lớn như trận bão số 8 vào ngày 15 tháng 10 năm 1985 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế với sức gió trên cấp 12;  bão số 2 xuất hiện vào tháng 5/1989 với sức gió cấp 12 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Trận bão số 6 (XANGSENE) xuất hiện đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào TP Đà Nẵng với sức gió giật cấp 14 đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, khu vực TTB đã liên tiếp chịu ảnh hưởng trực tiếp của 7 cơn bão (số 5, 6, 8, 9, 10, 11, 13) và 2 ATNĐ, trong đó điển hình là bão số 9 (MOLAVE) đổ bộ vào Đà Nẵng- Quảng Ngãi ngày 28/10 gây gió mạnh cấp 9-10 kèm theo mưa gây lũ lớn các sông. Mưa lớn trong trận bão này đã gây sạt lở nghiêm trọng tại Trà Leng- Nam Trà My, Phước Lộc- Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam.

Do diện tích các lưu vực sông tương đối nhỏ, độ dốc lớn nên khi có mưa lớn, lũ lên xuống rất nhanh- thường chỉ trong vài ba ngày là kết thúc một trận lũ, có trận lũ lên- xuống chỉ trong vòng 1 ngày.

Lũ lụt ở khu vực TTB là do mưa lớn gây ra. Tuy nhiên hiện nay, do sự phát triển thủy điện, trên thượng lưu nhiều sông có hồ chứa lớn như A Vương, Sông Bung 4, ĐakMi4, Sông Tranh 2, Đakđrinh, Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch... nên lũ có thể còn do quá trình vận hành hoặc sự cố của các công trình này gây ra.

Trong 24 giờ, lượng mưa các nơi trên một lưu vực sông từ 100mm trở lên thì có thể gây ra lũ. Mưa gây lũ do ảnh hưởng chủ yếu của các hình thế thời tiết: bão hoặc áp thấp nhiệt đới; gió mùa đông bắc; hội tụ nhiệt đới, đặc biệt là sự phối kết hợp của các hệ thống thời tiết trên.

Trung bình hàng năm có 3-4 trận lũ, năm nhiều nhất có 6-7 trận lũ, năm ít nhất cũng có 2 trận. Thời kỳ thường diễn ra mưa- lũ ác liệt là tháng 10-11; các sông khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mưa- lũ ác liệt có thể kéo dài đến giữa tháng 12. Tháng 5-6 trong một số năm cũng xuất hiện lũ lớn do ảnh hưởng của mưa tiểu mãn như năm 1979, 1989.

Từ 1976 đến 2020, lũ lớn xuất hiện vào các năm: 1980, 1983, 1986, 1987, 1996, 1998, 1999, 2004, 2005, 2007, 2009, 2011, 2013, 2020, trong đó điển hình là các năm 1999, 2005, 2009 và đặc biệt là 2020:

- Năm 1999, xuất hiện lũ đặc biệt lớn trên hầu hết các hệ thống sông trong khu vực, lũ lịch sử cũng đã xuất hiện trên một số sông như Sông Hương, sông Vu Gia- Thu Bồn, sông Trà Khúc, đây là trận lũ gây thiệt hại đặc biệt nghiệm trọng về người tại nhiều địa phương, đặc biệt là tỉnh TT-Huế.

- Năm 2005, xuất hiện lũ lịch sử trên sông Bến Hải. Trận lũ này có sức tàn phá rất lớn- gây sập cầu treo lịch sử Bến Tắt ở vị trí gần trạm Gia Vòng về phía thượng lưu;

- Năm 2009, xuất hiện đợt lũ đặc biệt lớn trên sông Vu Gia- Thu Bồn, với đỉnh lũ trên tại một số trạm cao hơn lũ lịch sử 1964, như tại Ái Nghĩa- sông Vu Gia, Châu Ổ- sông Trà Bồng.

- Năm 2020, lũ đặt biệt lớn, kéo dài với đỉnh lũ đạt cao nhất từ trước đến nay xảy ra trên nhiều sông như: Sông Kiến Giang, Sông Hiếu, sông Thạch Hãn, Sông Bồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh kinh tế tại các địa phương.

Thời gian duy trì lũ ở mức cao trên các sông gây ngập lụt trong khu vực tương đối ngắn do lũ thường lên, xuống rất nhanh. Các trận lũ đơn do 1 hệ thống thời tiết gây ra thời gian duy trì lũ trên mức BĐIII chỉ khoảng dưới 1 ngày.  Tuy nhiên có một số trận lũ do ảnh hưởng của các hệ thống thời tiết gây mưa lớn liên  tiếp nhau, thời gian duy trì lũ ở mức cao có thể kéo dài nhiều ngày, điển hình là lũ năm 2020 vừa qua. Trận lũ lớn nhất năm 2020 trên sông Kiến Giang lũ duy trì ở từ mức BĐ3 trở lên kéo dài đến gần 6 ngày liên tiếp.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: