TP.HCM: Rà soát, xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão

Đăng ngày: 06-05-2018 | Lượt xem: 942
(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các quận huyện khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng chống tình trạng sạt lở tại các khu vực sông, kênh,...

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tham mưu các giải pháp phòng chống nguy cơ sạt lở đất bờ sông, bờ biển trên địa bàn năm 2018 , đặc biệt tập trung xử lý ngay các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình công cộng của nhà nước.

Sở TN&MT chịu trách nhiệm thực hiện thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng T1, T2 của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian ngắn nhất để các chủ đầu tư có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ an toàn khu dân cư.

sat lo

Một vụ sạt lở gây đổ nhà tại quận Thủ Đức xảy ra năm 2016

Sở Xây dựng cần cân đối giải quyết quỹ nhà bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời; tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.

Các cơ quan liên quan cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai trong việc tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng biển huyện Cần Giờ; khắc phục các sự cố về hệ thống điện do sạt lở gây ra; chủ động di dời các hệ thống điện nằm trong phạm vi sạt lở không đảm bảo an toàn.

UBND các quận 2, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh có trách nhiệm tổ chức vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; thường xuyên chốt chặn tại các vị trí đã xảy ra sạt lở, kiên quyết không để người dân quay lại khu vực sạt lở để di dời tài sản hoặc ở lại các căn nhà có nguy cơ tiếp tục sạt lở, bảo vệ tài sản của hộ dân sau khi đã di dời; đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đúng tiến độ…

Theo UBND TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có 40 vị trí có nguy cơ sạt lở, gồm: 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí nguy hiểm và 1 vị trí bình thường; phân bố trên địa bàn: quận 2 (5 vị trí), quận 7 (1 vị trí), quận 8 (1 vị trí), quận Thủ Đức (5 vị trí), quận Bình Thạnh (3 vị trí) và các huyện Bình Chánh (4 vị trí), Nhà Bè (16 vị trí) và Cần Giờ (5 vị trí).

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: