Xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Rủi ro thiên tai ở cấp độ 2

Đăng ngày: 06-03-2020 | Lượt xem: 2080
Theo Trưởng phòng thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long ở cấp độ 2.

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn từ 6-10/3, Trưởng phòng thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết từ ngày 6-10/3, xâm nhập mặn có xu thế tăng dần, độ mặn sẽ tăng cao trong ngày 10/3.

Khu vực Nam Bộ vẫn duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, trong đó các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-36 độ C, miền Tây Nam Bộ thấp hơn khoảng 1-2 độ C. Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng từ 45-58 độ C.

Mực nước thượng lưu sông Mekong biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,35m; tại Châu Đốc là 1,45m, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Rủi ro thiên tai ở cấp độ 2 - 1

Mực nước xuống quá thấp khiến trạm bơm dã chiến ở Tiền Giang không thể lấy được nước chống hạn. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 110-130km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Hàm Luông 65- 95km; sông Cổ Chiên 60-65km; sông Hậu 60-67km; sông Cái Lớn 55-65km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 87-110km; 2 sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 55-60km; sông Hàm Luông 68-80km; sông Cổ Chiên 55-68km; sông Hậu 60-67km; sông Cái Lớn 55-58km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 2.

Từ ngày 11-15/3, xâm nhập mặn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 11-13/3, sau giảm chậm; độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn ngày 10-13/2, cũng như cùng kỳ năm 2016.

Trong đợt mặn cao điểm này, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020, đặc biệt là thời kỳ từ 11-15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3 năm 2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, sau đó có xu thế giảm dần đến cuối tháng 3; xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Theo vtc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: