Hậu Giang đề ra các nhóm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng để phát triển nông nghiệp

Đăng ngày: 06-01-2021 | Lượt xem: 3871

Để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang xây dựng Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 – 2025. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 là những ý trí chính trị mà Tỉnh quyết tâm thực hiện để đạt được những kết quả.

Giải pháp công trình

- Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, rà soát các hạng mục công trình đê, đập, cống, bọng để phát hiện và tu sửa kịp thời những công trình đã xuống cấp.

- Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo quy hoạch các tiểu vùng, trong đó ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp với đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt để chủ động trong sản xuất; xây dựng hoàn thiện dự án Hồ nước ngọt giai đoạn 2 và các dự án nạo vét các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh phục vụ vùng sản xuất. Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung,…; đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi (cống, trạm bơm, điện) kết hợp hệ thống giao thông phục vụ máy móc cơ giới lưu thông và vận chuyển sản phẩm.

- Từng bước chủ động tưới tiêu bằng các trạm bơm điện, hình thức và quy mô đáp ứng với sự thay đổi dòng chảy bất thường có thể xảy ra. Có thể huy động máy bơm nước ngọt từ các kênh trục vào dự trữ tại các kênh nội đồng để tưới bổ sung cho lúa khi cần thiết.

Nhóm giải pháp phi công trình

a) Giải pháp phát triển sản xuất

* Về trồng trọt:

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo Nghị định 62/2019/NĐ- CP của Chính phủ ngày 11/7/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ quản lý và sử dụng đất lúa, đồng thời khuyến khích người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên đất lúa để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

- Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bố trí lịch thời vụ phù hợp, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi phù hợp để thích ứng biến đổi khí hậu. Từng bước đa dạng hóa các cây rau màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày, kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt trên đất chuyên trồng lúa để vừa nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác, vừa cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu màu mỡ của đất.

- Chuyển đổi cơ cấu giống, trong đó ưu tiên phát triển các giống lúa và cây trồng có phẩm chất cao để gia tăng giá trị sản xuất; giống có khả năng chịu hạn, phèn, mặn cao để thích ứng tốt hơn với xâm nhập mặn và điều kiện sinh thái từng vùng, đảm bảo năng suất, sản lượng.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất như gieo sạ hàng, áp dụng “3 giảm - 3 tăng”, 1 phải 5 giảm, thâm canh tổng hợp, canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước; áp dụng mô hình “cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa và cây trồng hàng năm để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ độ phì của đất. Ứng dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Xây dựng các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chất lượng cao, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản chủ lực (chanh không hạt, bưởi, mít,...) phù hợp với điều kiện sinh thái và được cấp mã số vùng trồng. Trong đó, xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn GAP chiếm 50% diện tích sản xuất (vùng được cấp mã số), đồng thời xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng. Tích cực xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả trong điều kiện BĐKH như mô hình trồng mãng cầu xiêm, mô hình sản xuất 2 vụ lúa - 01 vụ tôm…; nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao, lúa hữu cơ, lúa đặc sản địa phương; mở rộng các mô hình luân canh lúa – màu, mô hình kết hợp lúa - thủy sản.

- Tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất tập trung cần ưu tiên đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo trồng và chăm sóc thu hoạch, làm khô, bảo quản sau thu hoạch...

* Về chăn nuôi:

- Nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm: Trước mắt, tập trung đầu tư heo đực giống, heo nái chất lượng để sản xuất con giống chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu và cung cấp con giống cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất cong giống đảm bảo chất lượng nhằm cải thiện đàn giống và chủ động cung cấp các giống tốt, chất lượng cao cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển mô hình chăn nuôi tập trung ứng dụng quy trình nuôi tiên tiến: Khuyến khích, hỗ trợ các hộ, cơ sở chăn nuôi tập trung di dời ra ngoài khu dân cư; từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu vực dân cư nông thôn nhằm bảo đảm phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả cao và bền vững, chủ động kiểm soát và khống chế được dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài các chính sách chung đang thực hiện như hiện nay, cần nghiên cứu ban hành chính sách về hỗ trợ ổn định cuộc sống khi hộ chăn nuôi ngưng sản xuất để chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ lãi vay ngân hàng đối với các hộ đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới; hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi ngành nghề cho người lao động làm việc tại các cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ chi phí di dời chuồng trại và xây dựng cơ sở mới theo quy hoạch.

* Về thủy sản:

- Thiết lập mạng lưới liên kết sản xuất giống theo hướng chuyên môn hóa cho từng công đoạn (cung cấp cá hậu bị/bố mẹ - cá bột - cá hương/cá giống) để tạo ra con giống đảm bảo chất lượng, cân đối được sản lượng và nhu cầu con giống, kịp thời phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

- Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo các hình thức như tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp... sản xuất theo quy mô công nghiệp. Trên cơ sở đó xây dựng vùng nuôi tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, ASC...) để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn cho các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ thủy sản. Đồng thời, gắn kết giữa người nuôi với khâu cung cấp vật liệu đầu vào và khâu tiêu thụ đầu ra.

- Cơ quan quản lý chuyên ngành phải thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chuyển đổi đối tượng nuôi theo hướng đa dạng hóa và lựa chọn đối tượng có giá trị cao, thích ứng với xâm nhập mặn và có thị trường tiêu thụ như: cá thát lát còm, lươn, ba ba, chạch lấu, tôm, cá sặc rằn, cá lóc,..

* Về lâm nghiệp:

- Trồng rừng: Trồng các cây trồng lâm nghiệp phù hợp với điều kiện lập địa và mục đích của từng loại rừng theo đúng qui trình kỹ thuật; hoàn thiện quy trình và nhân rộng mô hình trồng rừng theo phương thức nông - lâm - ngư kết hợp. Nghiên cứu tuyển chọn các giống cây lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng và tiểu vùng, đặc biệt là các giống có năng suất cao, phẩm chất tốt và đa tác dụng, thích ứng với điều kiện BĐKH- NBD; đầu tư các dự án trồng rừng, trồng cây phân tán, vườn giống nhằm tạo điều kiện phát triển lâm nghiệp góp phần cải thiện môi trường, phục hồi sinh thái, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan nông thôn, giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

- Khai thác rừng trồng: Khai thác đúng tuổi để bảo đảm sản lượng và chất lượng gỗ, trồng lại rừng sau khi khai thác; cây trồng phân tán không nên khai thác hết một lần, khai thác tới đâu cũng trồng lại ngay tới đó.

b) Giải pháp về công tác khuyến nông và tuyên truyền

- Tăng cường tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản; những biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, quy trình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm, tiếp cận thị trường để góp phần nhanh chóng thay đổi tập quán và nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, hướng họ đổi mới sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất quy mô hộ gia đình riêng lẻ, không kiểm soát chất lượng sang liên kết sản xuất theo quy trình an toàn, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và nguồn gốc để có thể cung ứng lượng hàng hóa lớn cho doanh nghiệp.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung các mô hình như: Mô hình sử dụng giống phẩm chất cao, giống thích ứng với hạn, mặn; mô hình canh tác tiết kiệm nước; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tự động hóa trong kiểm soát và điều tiết các yếu tố môi trường; mô hình ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng cho đến thu hoạch; mô hình sản xuất đa canh tuần hoàn nhằm tận dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; các mô hình ứng dụng công nghệ cao,...

- Phát triển mạng lưới dịch vụ khuyến nông tự quản cơ sở bao gồm: các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hội quán nông dân... Đây là nơi để nông dân tiếp cận thông tin, trực tiếp trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời cũng là điểm để tuyên truyền những chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp đến người dân, tư vấn, giải đáp thắc mắc, tập huấn tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ,...

- Thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân thường xuyên thông qua các chương trình dự báo thời tiết, chuyên mục khuyến nông,… trên đài phát thanh, truyền hình và thông qua hoạt động của Mặt trận tổ quốc, đoàn, hội các cấp để kịp thời cập nhật thông tin dự báo cho người dân biết và chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là những tháng cao điểm xâm nhập mặn và mưa bão, giông lốc.

c) Giải pháp về liên kết sản xuất

- Chuyển đổi toàn diện HTX theo Luật HTX năm 2012; Xóa bỏ các HTX hoạt động kém hiệu quả, thường xuyên thua lỗ. Thành lập mới các tổ hợp tác, các HTX chuyên ngành (HTX kiểu mới) làm đầu mối, đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

- Thành lập các hiệp hội ngành hàng với các sản phẩm chủ lực có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý, người sản xuất (đại diện là các hợp tác xã, hội quán) để kết nối sức mạnh, đổi mới tư duy kinh tế, nói lên tiếng nói của mình, đồng thời thực hiện tốt “liên kết 4 nhà”.

- Phát triển mạnh trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp ở nông thôn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

- Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế giữa nông dân với doanh nghiệp để thay thế cho mô hình kinh tế hộ hiệu quả thấp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tầu, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản; HTX, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.

d) Giải pháp về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với hạn, mặn. Trong đó, ưu tiên phát triển các giống có phẩm chất cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước tại từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu cải thiện, nâng cao chất lượng các giống nông sản chủ lực.

- Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện, cải tiến quy trình sản xuất đối với các loại nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng suất, ổn định chất lượng.

- Ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, chế phẩm sinh học trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Nghiên cứu lựa chọn áp dụng các công nghệ thích hợp với điều kiện của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản, xử lý môi trường, nhất là ứng dụng công nghệ số vào quản lý các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về xử lý ô nhiễm môi trường ở các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y một cách khoa học (sử dụng đúng lúc, đúng loại, đúng liều lượng,...).

- Xây dựng các mô hình ứng dụng, đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến có hiệu quả.

- Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ.

đ) Giải pháp về xúc tiến thương mại và thị trường

- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cho một số trung tâm, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, con nuôi chủ lực của tỉnh để có đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của Tỉnh.

- Rà soát các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, tạo mặt bằng, khuyến khích, hỗ trợ và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, sản xuất thức ăn thủy sản, chăn nuôi.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh (lúa gạo đặc sản, các sản phẩm cây ăn trái, thủy sản…) gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực có chất lượng cao trên Website của tỉnh, của ngành, của doanh nghiệp; thường xuyên thông tin, dự báo kịp thời về thị trường nông sản.

- Thực hiện liên kết tỉnh và liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản tại các thành phố lớn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Thành lập các Hiệp hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi nông dân và các thành viên, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.

- Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kho bãi luân chuyển, chợ đầu mối tiêu thụ nông sản, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP.

- Tranh thủ tối đa các cơ hội hợp tác quốc tế để huy động và sử dụng hiệu quả về kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản.

Với những kế hoạch hành động cụ thể như trên đây đem lại hy vọng lớn Hậu Giang có những động thái rất tích cực trong công tác ứng phó với BĐKH, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

Tin Tạp chí KTTV- UBNN Hậu Giang

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: