Nước tràn vào ảnh hưởng hơn 80ha vườn cây ăn trái của của người dân
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh Bến Tre, triều cường từ ngày 04 - 08/10 ở mức rất cao đã gây tràn, sạt lở một số đoạn đê trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Theo đánh giá sơ bộ của các ngành chức năng huyện Châu Thành, ước tính ban đầu thiệt hại về cây trồng khoảng 7,5 tỷ đồng, chi phí khắc phục vỡ đê khoảng 100 triệu đồng.
Trong đó, tại xã Tân Phú, tuyến đê ấp Tân Đông cặp sông Ba Lai bị tràn, vỡ khoảng 50m, gây ngập có độ sâu từ 0,5 - 1,0m trên diện tích 50ha vườn cây ăn trái của người dân. Cùng với đó, tuyến đê bao khu vực ấp Tân Bắc, xã Tân Phú bị vỡ tại vị trí cống đập Sáu Luông với chiều dài khoảng 10m gây ngập 30ha vườn cây ăn trái của người dân. Trước tình hình trên, UBND xã Tân Phú đã huy động tại chỗ và vận động nhân dân thuê xáng cạp xử lý, khắc phục xong đoạn đê bị vỡ, hiện tại đang tiếp tục gia cố chống tràn những đoạn xung yếu còn lại để ngăn triều cường trong những ngày tới.
Riêng tại xã Tiên Thủy bị sạt lở 03 vị trí thuộc khu vực cồn Khánh Hội (phía sông Hàm Luông) với chiều dài 12m. Địa phương đã kiểm tra và huy động lực lượng tự sửa chữa, gia cố xong. Ngoài ra, các địa phương khác thuộc huyện Châu Thành cũng xảy ra tràn cục bộ trên nhiều tuyến đường nông thôn và làm ngập trên hầu hết các diện tích đất chưa có hệ thống đê bao.
Một số tuyến đê bao được chính quyền và nhân dân gia cố, khắc phục
Ông Nguyễn Quang Thương - Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCH PCTT & TKCN tỉnh Bến Tre cho biết, theo nhận định của ngành chuyên môn, mực nước đỉnh triều từ nay đến ngày 13/10 tiếp tục lên ở mức cao, do đó tỉnh đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố tăng cường cảnh giác, theo dõi chặt chẽ mưa lũ, triều cường và chủ động ứng phó. Đặc biệt là lưu ý đến khu vực các cồn, ven sông, các tuyến đê bao vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản,…
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thương, tình hình sạt lở trên địa bàn Bến Tre đang diễn biến phức tạp và báo động triều cường trên các sông, do đó, chính quyền các địa phương cần dự báo, tuyên truyền cho người dân tại khu vực nguy cơ chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ, sẳn sàng ứng cứu khi có sự cố.
Đồng thời, có phương án chủ động di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ bị ngập, sạt lở để đảm bảo không xảy ra thiệt hại về người do ảnh hưởng của mưa lũ, triều cường. Tăng cường công tác kiểm tra, gia cố, khắc phục những hư hỏng. Triển khai ngay các biện pháp phòng tránh đuối nước trong mùa mưa lũ, triều cường, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em và học sinh…
Nguồn: Báo TN&MT