Biến đổi khí hậu gây thiệt hại hơn 2.500 tỷ tại Việt Nam

Đăng ngày: 17-11-2020 | Lượt xem: 2947
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng và khiến hàng trăm triệu người thiếu đói, theo nhận định của Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam.
Biến đổi khí hậu gây thiếu nước trầm trọng ở hồ nước ngọtngọt Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Tùng Đinh.
 

Biến đổi khí hậu gây thiếu nước trầm trọng ở hồ nước ngọtngọt Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn về tác động của biến đổi khí hậu tới nông dân.

- Biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng thế nào đến an ninh lương thực thế giới và tác động đến Việt Nam?

Theo thống kê mới nhất, trên 820 triệu người trên thế giới đang thiếu đói. Nhưng BĐKH có thể làm tăng thêm 122 triệu người nữa – chủ yếu là nông dân – vào tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2030, và đẩy giá ngũ cốc tăng thêm 29% từ nay đến 2050.

Nông nghiệp hiện là ngành bảo đảm sinh kế cho khoảng 2,5 tỷ người trên toàn cầu, cũng là nguồn thực phẩm cho toàn thể nhân loại. Ngành này hiện đang gánh chịu tới 26% tác động về kinh tế do thiên tai nói chung.

Riêng với hạn hán, mức độ gánh chịu này ở các nước đang phát triển lên tới 83%. Mặt khác chúng ta thấy bản thân ngành nông nghiệp cũng là ngành phát thải khí nhà kính rất lớn. Tính chung nông, lâm nghiệp và các loại hình sử dụng đất khác, con người tạo ra khoảng 1/4 lượng khí phát thải (riêng ngành chăn nuôi chiếm tới 14,5%).

Một phần ba trong tổng diện tích đất toàn cầu đang bị suy thoái, tạo ra 78 gigaton CO2 vào khí quyển, khiến giá trị của đa đạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thai bị mất đi tương đương với 10% GDP. Ở châu Á, trong giai đoạn từ 2005 - 2015, thiệt hại do thiên tai đã lên đến 48 tỷ USD trong đó 77% là do lũ lụt.

Về lâu dài, nếu không sớm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, nhân loại sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi dân số ngày một tăng lên trong khi quỹ đất nông nghiệp tiếp tục giảm xuống.

- Hiện thiên tai ảnh hưởng đến an ninh lương thực (ANLT) của VN như thế nào?

Đối với Việt Nam, tuy đã có những bước tiến vượt bậc về sản xuất nông nghiệp và đang trở thành một nước cung ứng nhiều mặt hàng nông sản cho thế giới, chúng ta cần lường trước những yếu tố tiêu cực sẽ khiến nguồn cung cấp khó ổn định do các yếu tố tự nhiên và xã hội – đặc biệt là làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị hoặc khu công nghiệp để tìm kiếm các nguồn thu nhập cao hơn, đẩy lao động nông thôn đến chỗ khan hiếm.

Chỉ riêng thiệt hại về sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNP-TNT) các hình thái thiên tai đã gây thiệt hại 100 ngàn ha lúa và hoa màu, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng. Nhiều dữ liệu tương tự cho thấy BĐKH là mối đe dọa của sự đảm bảo bền vững ANLT của Việt Nam.

ANLT cần phải được hiểu trên cả 4 bình diện: Sự sẵn có, khả năng tiếp cận, việc sử dụng và tính bền vững của hệ thống thực phẩm. Thiên tai và các loại hình khí hậu cực đoan do BĐKH gây ra đang ảnh hưởng tiêu cực trên cả 4 bình diện này.

Cụ thể hơn, các BĐKH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ANLT trên 3 phương diện: (1) làm giảm sản lượng lương thực cũng như hiệu quả của toàn chuỗi giá trị, ảnh hưởng tới sinh kế (việc làm, lương bổng) và gây tổn thất về kinh tế nông nghiệp; (2) ảnh hưởng tới việc sử dụng thực phẩm do những tác động tiêu cực đến sức khỏe, vệ sinh, nước sạch và các yếu tố tương tự; (3) giảm sự ổn định của việc cung ứng lương thực do thất thoát về tài sản và hạ tầng nông thôn cũng như các loại dịch bệnh.

Ruộng đồng khô hạn ở vùng hồ nước ngọt Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Tùng Đinh.
 

Ruộng đồng khô hạn ở vùng hồ nước ngọt Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Tùng Đinh.

- FAO có những chương trình lớn nào về ANLT trên thế giới và Việt Nam?

Tại Việt Nam, ANLT luôn là trọng tâm của FAO. Từ những năm mới đi vào hoạt động, FAO đã giới thiệu các loại giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ cho người dân.

Từ giữa thập kỷ 1990, FAO đi tiên phong chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) ra đời, tạo ra sự tăng trưởng bền vững ở cây trồng và là tiền đề cho Đề án IPM của Việt Nam được ban hành vào năm 2015.

Kể từ 2012, khi Tổng Thư ký LHQ phát động Sáng kiến Không còn nạn đói (phần lớn trùng với Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2), thì Việt Nam ngay lập tức thể hiện sự hưởng ứng tích cực. Trong ngành nông nghiệp, với những mối đe dọa từ các đại dịch lớn – nhất là bệnh từ động vật sang người – kể từ 2004 đến nay FAO đã cùng ngành y tế và ngành nông nghiệp liên tục phối hợp giải quyết các nguy cơ dịch bệnh trong đó có việc thiết lập mạng lưới giám sát dịch tễ, xây dựng khung quản lý nhằm giảm thiểu tình trạng kháng thuốc trong chăn nuôi, thủy sản.

Hiện tại, cùng với Chương trình Một Sức khỏe (One-Health) thì Chương trình IPM cũng đang được rà soát theo tinh thần của tuyên bố của Liên Hợp Quốc năm 2020 là năm quốc tế về Sức khỏe cây trồng để giúp đưa ra những giải pháp căn cơ, đóng góp cho đảm bảo lâu dài ANLT quốc gia.

FAO và các cơ quan Liên Hợp Quốc đã cùng Việt Nam xây dựng Chương trinh Hành động Không còn nạn đói đến 2025 với Ban CHỉ đạo do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Bộ Nông nghiệp và PTNT giữ vị trí cơ quan thường trực.

FAO cũng đồng hành với Việt Nam trong Thập kỷ LIên Hợp Quốc về Hành động dinh dưỡng (2016 – 2025), theo đó nhiều chương trinh, dự án lồng ghép dinh dưỡng và nông nghiệp đã và đang được triển khai hiệu quả.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Chỉ riêng thiệt hại về sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) các hình thái thiên tai đã gây thiệt hại 100 ngàn ha lúa và hoa màu, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng. Nhiều dữ liệu tương tự cho thấy BĐKH là mối đe dọa của sự đảm bảo bền vững ANLT của Việt Nam.

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: