Đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức từ biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 21-08-2019 | Lượt xem: 5073
Do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đổi mặt với nhiều thử thách. Đây là vùng đồng bằng phì nhiêu, được coi là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của đất nước, nhưng ĐBSCL lại đang đứng trước nạn hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở.

Xâm nhập mặn vào sâu nội đồng tại đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn cho sản xuất. Ảnh: Phú Sơn.

Tới nay, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn ở khu vực ĐBSCL.

Trên lưu vực sông Mê Kông, mực nước thượng lưu sông đang ở mức rất thấp, nhiều trạm xuống thấp nhất lịch sử. Dự báo mưa khu vực thượng lưu sông Mê Kông và vùng ĐBSCL có khả năng thiếu hụt trong mùa lũ, dẫn đến đỉnh lũ năm 2019 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-70% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35-45% so với trung bình nhiều năm và tương đương cùng kỳ năm 2015. Điều đó tác động trực tiếp tới nguồn nước lưu vực ĐBSCL.  Theo tính toán, thì có thể tới cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019 mới có thể xuất hiện lũ  ở khu vực này.

Sau nhiều tháng khô hạn, được biết, tổng lượng mưa ở khu vực ĐBSCL trong tháng 8 dự báo xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, tháng 9 có xu hướng cao hơn từ 5-20%. Tuy nhiên, tới tháng 10 mưa giảm nhanh, tổng lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020, tổng lượng mưa khu vực phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%.

Cũng chính vì thế, ĐBSCL có nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; nhất là ở vùng cửa sông. Đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020.

Theo Giáo sư Trần Thục  (Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam) thì từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7/2019, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35-45% so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại các trạm ở thượng lưu sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5-5,5m, các trạm ở trung lưu thấp hơn từ 3,0-6,2m, các trạm ở hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m. Từ đó, mực nước vào ngày lớn nhất ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm vào cùng kỳ từ 0,5-0,9m.

“Nếu trong các tháng lũ chính vụ còn lại, từ tháng 8 đến tháng 10/2019, trên lưu vực sông Mê Kông không có mưa diện rộng thì có nguy cơ mất lũ năm 2019, dẫn đến suy giảm dòng chảy mùa cạn năm 2020 trên lưu vực”- theo Giáo sư Trần Thục. Đồng thời, cùng dẫn tới nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ trong mùa khô năm 2019-2020.

Đôi với ĐBSCL, có thể nói kể từ năm 2014 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tại khu vực này, năm 2015 do dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm gần 2 tháng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Số liệu nghiên cứu của cơ quan chức năng về xâm nhập  mặn cho thấy:

-Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền:  Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l (ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây lúa), vào sâu nội đồng (so với mức trung bình nhiều năm) từ 20 đến 25 km.

-Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội  đồng từ 15 đến 20 km.

-Khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn): Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đổng từ 5 đến 10 km.

Đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức từ biến đổi khí hậu - 1

Sạt lở vẫn tiếp diễn.

Qua phân tích cho thấy, việc mặn xâm nhập sâu  nội đồng ở khu vực ĐBSCL là rõ rệt và có xu hướng nặng nề hơn. Ở tất cả các vùng cửa sông, độ mặn xâm nhập đều ở mức độ ảnh hưởng xấu tới cây lúa. Từ đó, cũng ảnh hưởng xấu đến việc nuôi trồng thủy sản cũng như khiến nước ngầm bị nhiễm mặn. Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Tại khu vực này, cũng đang tiếp diễn hiện tượng sạt lở đất. ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài 786 km và mỗi năm mất từ 300 - 500 ha đất. Đây là những con số được đưa ra tại hội thảo về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Cà Mau vào ngày 9/4. Kể từ đó tới nay, vẫn tiếp tục xuất hiện sạt lở ở một số địa phương trong vùng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, 123 km sông Tiền chạy qua tỉnh này thì có đến 101 km bờ sông bị xói lở. Từ năm 2005 đến 2018, Đồng Tháp mất trên 322 ha đất do nước cuốn trôi; phải di dời trên 8.000 hộ dân, và hiện vẫn còn trên 6.000 dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi an toàn. Còn lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2007 đến nay, Cà Mau mất gần 9.000 ha rừng phòng hộ ven biển do sạt lở. Đê biển Tây có nguy cơ vỡ  bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão. Đáng chú ý, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo năm 2020 lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60 - 65 % so với năm 2017; đến năm 2040, lượng phù sa sẽ chỉ còn 3 - 5%. Thiếu hụt phù sa sẽ dẫn đến giảm sự bồi lắng và tiếp tục gây sạt lở. Chúng ta đã đầu tư lớn để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển. Nhưng thực tiễn triển khai cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách, nên kết quả đạt được đến nay chưa cao.

Vì thế, có thể nói,  ĐBSCL còn phải đối diện nhiều thách thức, không chỉ trước mắt mà là lâu dài. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp cho toàn vùng là vấn đề rất lớn.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: