Câu chuyện nước triều cường tràn ngập từ vườn đến đường đang nóng trên các phương tiện truyền thông và cả mạng xã hội. Khi vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp lũ đạt đỉnh thì triều cường ở vùng hạ nguồn đang hoành hành gậy thiệt hại nặng cho người dân. Đặc biệt, nước dâng cao vào buổi sáng và buổi chiều đang xáo trộn sinh hoạt của hàng chục ngàn người dân ở 6 tỉnh hạ nguồn: Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây được xem là trận triều cường lớn nhất trong vài chục năm qua ở ĐBSCL. Điều gì sẽ tiếp tục xảy ra sau trận triều cường lịch sử này?
Triều cường làm vỡ đê nước tràn vào gây ngập nặng ở cồn Khương, TP Cần Thơ
Hậu qua do “mất túi chứa nước đầu nguồn”!
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước ngày 10 và 11-10 tại các trạm hạ lưu sông Mê Kông, tiếp tục lên trên BĐ3 từ 0,1m- 0,3m. Trong những ngày qua, triều cường cuối tháng và đầu tháng âm lịch liên tiếp xuất hiện phá vỡ một đê bao ở các xã cù lao tỉnh Vĩnh Long.
Trong khi đó, tại cồn Khương, quận Ninh Kiều, nước cũng phá đê tràn vào làm ngập lênh láng nhiều khu dân cư được xem là sang trọng nhất TP Cần Thơ. Nước cũng tràn qua nhiều đoạn trên quốc lộ 1 ở các tỉnh hạ nguồn. Chính quyền địa phương phải huy động nhiều lực lượng để hàn vá đê.
Hàng trăm héc-ta mía của nông dân Hậu Giang mất trắng, hàng ngàn héc-ta vườn, ao nuôi cá đang có nguy cơ thiệt hại nặng.
Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trương Quang Hoài Nam đến thăm một hộ dân bị ngập nước do vỡ đê bao cồn Khương
Nhiều năm trước đây, các tỉnh hạ nguồn ĐBSCL đặt vấn đề: Tại sao lũ nhỏ nhưng vùng hạ nguồn lại chịu cảnh ngập theo triều cường ngày càng gia tăng? Phải chăng do các tỉnh đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp làm đê bao khép kín, khiến nước tràn về hạ nguồn?
Đây là một câu hỏi bức bách nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng và có các biện pháp ứng phó cụ thể! Vì thế, các tỉnh hạ nguồn ĐBSCL vốn chịu chi phối từ chế độ bán nhật triều (nước lớn ròng ngày 2 lần) sẽ tiếp tục bị ngập nặng 2 buổi/ngày vào những ngày nước biển dâng (từ ngày 19-21, cuối và đầu các tháng 8 đến tháng 10 âm lịch).
ĐBSCL lâu nay vốn có 3 túi nước: biển Hồ, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp mười, thế nhưng điều này đang thay đổi...
Theo các nhà khoa học, hai vùng trũng (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu để đẩy mặn nữa. Từ năm 2000 - 2011, khả năng trữ lũ của Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỷ mét khối xuống còn khoảng 4,5 tỷ mét khối, tức giảm khoảng 4,7 tỷ mét khối do diện tích khoảng 1.100 km² ô đê bao khép kín ở vùng này. Khối nước 4,7 tỷ mét khối này do không vào được trong đồng đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu trong mùa lũ và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỷ mét khối này để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển!
Sụt lún và hạn mặn
Mùa khô năm 2016 được xem là mùa hạn – mặn lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Mùa lũ năm 2018, đỉnh lũ ở đầu nguồn không phải là cao nhất nhưng vùng hạ nguồn đã ghi nhận triều cường lớn bất thường.
Công an TP Cần Thơ phải trực tại các giao lộ bị ngập để hỗ trợ người đi đường
Các nghiên cứu và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác nước từ thượng nguồn, sụt lún… Dự báo, trong vài thập niên tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được.
Là một phần của lưu vực Mê Kông và có vị trí tiếp giáp biển, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của cả điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn tại chỗ từ phía thượng nguồn sông Mê Kông và từ phía biển.
Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) lo lắng: “ĐBSCL Không có phù sa thì chết chắc. Các đập thủy điện đang "giết chết" ĐBSCL là từ phù sa chứ không phải nguồn nước. Nếu chỉ bàn về nguồn nước ngọt không thôi là không đủ”!
Trước khi có các đập thủy điện trên dòng Mê Kông, tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu sông Mê Kông là khoảng 85 triệu tấn/năm (cả phù sa lơ lửng và bùn cát đáy). Tuy nhiên, sử dụng mô hình phù sa bùn cát, các nhà khoa học đã tính toán: Tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm (giảm 78%). Đây là cảnh báo nghiêm trọng về sự phát triển của châu thổ ĐBSCL. Bởi ĐBSCL được kiến tạo một phần bởi phù sa bùn, cát bồi đắp từ dòng Mê Kông hàng ngàn năm qua. Tình trạng đất sụp lún, trượt ngày càng gia tăng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Bên cạnh đó, việc người dân trong vùng đang xài hoang phí các tầng nước ngầm.
Đê Gành Hào bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng
Theo số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay: Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng nước ngầm ĐBSCL khoảng 0,15m – 0,4m/năm (tùy theo tầng chứa nước và tùy theo từng khu vực). Khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước nhiều nhất là tại các khu vực tập trung khai thác nước dưới đất quy mô lớn.
Việc khai thác tầng nước ngầm ở ĐBSCL còn mang tính tự phát, chưa được phân bổ quy hoạch khai thác một cách hợp lý. Đáng báo động là việc khai thác nguồn nước dưới đất mặn để nuôi tôm đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ở các vùng ven biển đã được ngọt hóa. Hệ lụy của nó là gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở ngay các tầng chứa nước khác.
Từ trận hạn – mặn lịch sử năm 2016 đến đợt triều cường lịch sử năm 2018 ở vùng hạ nguồn ĐBSCL là lời cảnh tỉnh: ĐBSCL không còn là vùng đất trù phú mà trở thành vùng đất "dễ tổn thương".
ĐBSCL hiện đang đối diện khốc liệt với các hình thái thiên tai ngày càng cực đoan. Nó đòi hỏi, các địa phương phải khẩn trương liên kết thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (ngày 17-11-2017).
Quyết định này được xem là các “bộ khung” căn cơ để các địa phương và bộ ngành thực hiện nhằm giúp người dân trong vùng có thể an sinh.
Nghị quyết 120/NQ-CP đã đưa ra các giải pháp: về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,…).
Bên cạnh đó, tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro…