Khí hậu trên hành tinh gắn bó chặt chẽ với tương lai các khu rừng

Đăng ngày: 12-10-2018 | Lượt xem: 979
(TN&MT) - Liên minh các nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp trên thế giới cảnh báo, để tránh các hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) nguy hiểm, các khu rừng hiện vẫn còn tồn tại cần phải...

Mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra cảnh báo các vấn đề toàn cầu dưới ảnh hưởng của BĐKH sẽ trở nên tệ hơn nhiều so với dự kiến, nhiều tác động tiêu cực đang trong quá trình diễn ra nhanh hơn, trong bối cảnh lượng khí phát thải trên toàn cầu ngày một tăng cao.

IPCC nêu rõ, trong vòng 20 năm tới, hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu sẽ đạt mức 1,5 độ C nếu không thực hiện việc cắt giảm lượng khí phát thải với khối lượng lớn. Thậm chí, hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu có thể chỉ mất 11 năm để đạt mức tăng 1,5 độ C. 

rừng nhiệt đới

Khí hậu trên hành tinh của chúng ta trong tương lai được gắn bó chặt chẽ với tương lai của các khu rừng. Ảnh minh họa

Bà Deborah Lawrence - Chuyên gia về rừng thuộc Đại học Virginia (Mỹ) cho biết, các khu rừng có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc cắt giảm lượng khí phát thải. Các khu rừng cung cấp một “dịch vụ cực kỳ quan trọng” cho nhân loại thông qua việc tiêu thụ khoảng 25% tổng lượng khí CO2 toàn cầu.

Nói một cách khác, khí hậu trên hành tinh của chúng ta trong tương lai được gắn bó chặt chẽ với tương lai của các khu rừng.

Theo chuyên gia Deborah Lawrence, việc trồng lại rừng và nâng cao khả năng quản lý rừng có thể “triệt tiêu” lượng lớn khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển, ước tính vào khoảng 18% lượng CO2 cần thiết phải triệt tiêu khỏi bầu khí quyển tính đến năm 2030.

Các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Australia và khối Liên minh châu Âu có thể tăng diện tích trồng rừng của họ một cách đáng kể với mục đích kinh tế, mà không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Như vậy, khả năng triệt tiêu hàng tỷ tấn khí CO2 khỏi bầu khí quyển là hoàn toàn khả thi.

Đồng thời, việc bảo vệ và tăng thêm diện tích các khu rừng nhiệt đới cũng đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, các khu rừng nhiệt đới vừa có tác dụng làm mát không khí, vừa là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các cơn mưa vùng cho mục đích trồng trọt lương thực.

Trong cảnh báo được đưa ra bởi liên minh các nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp nêu rõ, để tránh các hiện tượng BĐKH nguy hiểm, các khu rừng hiện vẫn còn tồn tại cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Các khu rừng trên thế giới có khả năng chứa lượng carbon nhiều hơn so với lượng dầu, lượng khí gas và các mỏ than có thể khai thác.

Chuyên gia Deborah Lawrence nhấn mạnh, gỗ từ các khu rừng trưởng thành có thể chuyển đổi thành đồ nội thất; hơn thế nữa, còn có thể sử dụng để làm những “toà nhà có tác dụng lưu giữ lâu dài khí CO2”.

Hiện nay, một toà nhà cao 12 tầng được làm hoàn toàn từ gỗ sắp được hoàn thiện tại TP Portland, bang Oregon (Mỹ) vào năm 2019 tới đây. Và một toà nhà cao 24 tầng được làm hoàn toàn bằng gỗ cũng sẽ được xây dựng tại TP Vienna của nước Áo.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: