Trong thông báo đưa ra ngày hôm nay, Cơ quan khí tượng Australia cho biết, trong vòng 1 thập kỷ qua, mức nhiệt độ cao nhất và thấp nhất tại tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia đều tăng thêm 1 độ C so với thập kỷ trước đó.
Năm 2020 được đánh giá là năm nóng nhất trong lịch sử Australia. Trong đó tiêu biểu là một khu vực thuộc lưu vực Sydney, có ngày nhiệt độ lên tới 48,9 độ C, trong khi nhiệt độ tại sân bay Canberra vào ngày này lên tới 44 độ C. Số liệu cũng cho thấy, năm 2019 là năm khô hạn nhất trong lịch sử Australia còn tháng 11 năm 2020 có nhiệt độ cao nhất trong cùng kỳ, kể từ năm 1910.
Trước đó, vào tháng 11/2020, một báo cáo chung giữa Cơ quan khí tượng Australia và Cơ quan nghiên cứu công nghiệp và khoa học Australia (CSIRO) cũng cho thấy, kể từ năm 1950 cho đến nay, nhiệt độ ở thập kỷ sau luôn cao hơn nhiệt độ ở thập kỷ trước đó.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ tại Australia tăng cao là vì nước này đang phải gánh chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Tiến sỹ Lynette Bettio, chuyên gia khí hậu cao cấp thuộc Cơ quan khí tượng Australia cho biết, “Australia đang bị ảnh hưởng bởi biến đối khí hậu, vì vậy, hàng năm kể từ năm 2013, nhiệt độ tại Australia luôn được ghi nhận nằm trong danh sách 10 năm ấm nhất”.
Thập kỷ 2011 - 2020 được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất tại Australia. Nguồn Getty Images.
Không chỉ làm nhiệt độ tăng lên, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan khác tại Australia như nhiệt độ mặt nước biển tăng kỷ lục tại dải san hô Great Barrier Reef vào tháng 2 và tháng 3/2020, đã khiến cho hiện tượng tẩy trắng san hô bị lan rộng, đe dọa nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái. Biến đổi khí hậu cũng góp phần gây ra những đợt bão mạnh, gây xói mòn bờ biển bang New South Wales và Queensland.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ nét tới Australia, chính quyền Australia vẫn giữ nguyên cam kết đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong hai kế hoạch ngân sách vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã cam kết chi 5,3 tỷ AUD cho các biện pháp nhằm giảm khí phát thải. Trong khuôn khổ Quỹ Mạng lưới tin cậy, Australia cũng cam kết chi hơn 1 tỷ AUD nhằm giúp người dân nước này tiếp tục áp dụng các công nghệ năng lượng mới.
Trong thời gian tới, trong khuôn khổ Lộ trình Đầu tư Công nghệ, chính phủ Australia cũng sẽ tiếp tục chi 18 tỷ AUD trong 10 năm tới để đầu tư cho công nghệ năng lượng mới. Nếu Lộ trình Đầu tư Công nghệ được thực hiện đúng như kế hoạch, vào năm 2030, lượng khí phát thải mà Australia thải ra sẽ giảm nhiều hơn 145 triệu tấn so với mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris./.
Theo vov.vn